Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ năm, 03/03/2022 11:03
TMO – Công suất các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch hiện là 11.921 MW, trong đó, có 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với công suất là 8.171,475 MW.
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết ngày 31/10/2021, số dự án và phần dự án đã đi vào vận hành thương mại (COD) là 84 dự án, với tổng công suất 3.980,265 MW. Trong số này có 15 dự án đã COD được một phần công suất là 325,15 MW và tổng công suất chưa COD là 1.031,1 MW. Còn so với con số 106 dự án đã đăng ký thử nghiệm hết ngày 31/12 với tổng công suất 5.655,5 MW, thì còn khoảng 2.300 MW đã lỡ hẹn.
Riêng các dự án điện mặt trời, tính hết ngày 31/12/2020 đã có 148 dự án được công nhận COD với tổng công suất là 8.652,9 MW. Con số này cũng còn kém xa tổng số công suất điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch là 15.400 MW.
(Ảnh minh họa)
Cơ chế giá ưu đãi (FIT) theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cho các dự án điện mặt trời hết hạn từ ngày 1/7/2019, đến nay đã bước sang năm thứ 3 vẫn chưa có cơ chế giá mới khiến nhiều nhà đầu tư lao đao khi phải ngồi “ngóng giá”, trong khi suất đầu tư lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng cho một MW công suất và phần lớn là vốn vay ngân hàng, tới 80%. Diễn biến nặng nề hơn đối với các dự án điện gió khi suất đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng vẫn nằm “chết” chờ giá mới do giá mua điện FIT theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg hết hạn kể từ ngày 1/11/2021.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với 1/3 số dự án không thể về đích do nguyên nhân khách quan tác động, với tổng công suất 2.000 MW, tương đương vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, điện gió Việt Nam khó tránh khỏi tổn thất nặng nề khi đang không biết đi về đâu, giá bán ra sao, trả nợ thế nào. Điều này sẽ dẫn tới các nguy cơ khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Bộ Công thương đã nhiều lần cho biết sẽ có cơ chế chuyển tiếp song đến nay vẫn chưa rõ. Điều đáng nói, mới đây, Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp chủ trương đầu tư với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt nhưng chưa triển khai tính tới ngày 26/1/2022, để “chờ kết quả rà soát trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII” theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đối với các dự án đã được phê duyệt, đã có chủ trương đầu tư đến thời điểm 26/1/2022 và chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện cố định (FIT) theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, Bộ Công thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư được đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xác định giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện do Bộ này ban hành, với quy trình theo quy định.
Như vậy, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đã đầu tư nhưng không kịp FIT sẽ phải đối mặt trong thời gian tới là đàm phán giá điện với EVN theo trình tự như các dự án nguồn điện khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều này không dễ dàng khi trình tự thủ tục không đơn giản như đàm phán FIT. Chưa kể, trong bối cảnh “thừa điện” tại một số thời điểm do các dự án điện mặt trời mái nhà tập trung ở miền trung và miền nam với 7.220 MW đã phá vỡ cân bằng vùng miền, góp phần gây hiện tượng thừa nguồn tại khu vực này, đặc biệt trong các giờ buổi trưa, khi nguồn điện mặt trời phát cao. Những dự án đang chờ giá mới để triển khai thì lại phải chờ Quy hoạch điện VIII, khi quy hoạch này đã đi một hành trình dài và chưa rõ hồi kết khi đã lỡ hẹn tới ba lần từ cuối năm 2020 đến nay.
Quốc Dũng
Bình luận