Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 15:04
Thứ tư, 16/04/2025 06:04
TMO - Không chỉ ứng phó hiệu quả với tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng gia tăng, các tuyến kè biển kiên cố tại Bình Thuận còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế biển và ngành du lịch bền vững cho nhiều người dân cũng như các địa phương vùng ven biển.
Việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kè biển đang góp phần thay đổi diện mạo đô thị, bảo vệ sinh kế của người dân và tạo đà thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch biển một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, nhằm mục tiêu phát triển thương hiệu du lịch, tỉnh Bình Thuận đang tập trung hoàn thiện quy hoạch, chính sách, xây dựng hệ sinh thái du lịch gắn với đa dạng hóa các loại hình du lịch dịch vụ có lợi thế của tỉnh.
Được biết, tỉnh Bình Thuận có 192 km bờ biển, theo Quy hoạch công trình chống xói lở bờ biển tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020, tổng chiều dài cần đầu tư công trình kè là 116,89 km, trong đó kè bảo vệ khu dân cư, khu sản xuất là 85,67 km, kè bảo vệ khu du lịch 31,22 km. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được gần 27 km kè biển, trong đó có 21,56 km kè kiên cố (riêng Phú Quý 5,06 km) và 5,32 km kè tạm.
Bên cạnh công trình kè của Nhà nước đầu tư, các chủ cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 3,52 km kè. Các đoạn kè bảo vệ do Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư xây dựng đã góp phần ổn định bờ biển tại nhiều khu vực xung yếu, tạo thuận lợi phát triển du lịch, kinh tế biển, kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng địa phương.
Các tuyến kè biển mang lại nhiều lợi ích cho đời sống nhân dân cũng như nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, trước ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến cho tình hình sạt lở bờ biển ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến các khu vực bờ biển chưa có công trình bảo vệ luôn tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở, mất đất, thiệt hại tài sản, mất bãi tắm ven biển.
Trong đó, khu vực Hàm Tiến nhiều năm qua chịu tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng gây xói lở bờ biển; diện tích bị xâm thực ngày càng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã đầu tư một số đoạn kè xung yếu để bảo vệ đất và tài sản của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số kè mái nghiêng bê tông đầu tư trên 15 - 20 năm đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa; tình trạng sạt lở tăng lên phía hạ lưu sau khi làm kè; tình trạng bãi biển ngày càng sâu hơn, có nơi không còn bãi…Qua kiểm tra thực tế, biển xâm thực tại bờ biển khu vực khu phố 1, phường Hàm Tiến với chiều sâu vào đất liền từ 5 - 7 m, chiều dài khoảng 200 m.
Dự án kè chống sạt lở bờ biển phường Hàm Tiến (TP.Phan Thiết) mang lại diện mạo mới cho khu vực này. (Ảnh: NL).
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho nhân dân, du khách tại khu vực Hàm Tiến, UBND TP. Phan Thiết đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghiên cứu, có giải pháp hoàn thiện xây dựng kè bảo vệ bờ biển khu vực Hàm Tiến. Trước yêu cầu đó, Dự án nâng cấp kè bảo vệ bờ biển khu phố 1, phường Hàm Tiến được Sở Kế hoạch – Đầu tư phê duyệt ngày 1/8/2023 tổng số vốn 17,500 tỷ đồng từ nguồn vố xổ số kiến thiết trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Dự án đã được thi công khắc phục phần nào nguy cơ bị sạt lở, mất đất, mất bãi tắm ven biển, thiệt hại tài sản của nhân dân và doanh nghiệp. Bờ biển có vị trí rất quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đối với Bình Thuận. Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới, nhiều gió, nhiều nắng, có các cồn cát, đồi cát ven biển và các nhánh núi hướng ra biển, tạo cảnh quan thiên nhiên và các bãi tắm đẹp. Đây là những tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế biển, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Để bảo vệ bờ biển an toàn, tránh xói lở, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 392/QĐ-UBND, ngày 27/2/2025 phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận tại 54 khu vực ven biển và hải đảo trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố: Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi, Phú Quý.
Tại Quyết định số 392/QĐ-UBND nêu rõ, ranh giới ngoài của hành lang bảo vệ bờ biển là đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được UBND tỉnh công bố (tại Quyết định số 2465, ngày 25/9/2019). Ranh giới trong của hành lang bảo vệ bờ biển về phía đất liền hoặc về phía trong đảo là đường nối các điểm có khoảng cách được xác định để bảo đảm chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định. Ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được thể hiện tại phụ lục chi tiết và bản đồ ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận tỷ lệ 1:10.000 kèm theo quyết định này.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống kè biển kiên cố không chỉ thể hiện quyết tâm của tỉnh Bình Thuận trong bảo vệ bờ biển trước tác động của biến đổi khí hậu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển. Những tuyến kè vững chắc, kết hợp hài hòa giữa phòng chống thiên tai và phát triển hạ tầng du lịch, đang từng bước tạo nên diện mạo mới cho các vùng ven biển của địa phương này. Không những thế, hệ thống kè biển góp phần đảm bảo an toàn cho con người và tạo động lực bứt phá cho ngành du lịch Bình Thuận.
Trần Thắng
Bình luận