Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ sáu, 11/10/2024 07:10
TMO - Với việc huy động nhiều nguồn vốn, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã chủ trương lồng ghép, huy động nhiều nguồn vốn từ các chương trình khác nhau để từng bước đầu tư hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch cho khu vực nông thôn như chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả; 134; 135; xây dựng nông thôn mới; Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ... để đầu tư xây dựng các dự án cấp nước tập trung nông thôn.
Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư xây dựng 721 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn góp phần đảm bảo cấp nước cho hộ dân khu vực nông thôn nhằm nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội vùng hưởng lợi. Tỉnh đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin công trình cấp nước tập trung nông thôn và Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh hằng năm.
Nhà máy nước Bộc Bố (Pác Nặm) mới được đầu tư xây dựng, góp phần cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Ảnh: TS.
Hiện nay, huyện Chợ Đồn có 169 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó có 159 công trình đang hoạt động, tổng số hộ được thụ hưởng trên 7.000 hộ dân. Các công trình cơ bản giải quyết một phần tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất nói riêng, cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường.
Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo cho cơ quan, ban, ngành đoàn thể, chính quyền các xã đẩy mạnh công tác phối hợp, triển khai việc đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung từ các nguồn vốn được cấp. Quá trình triển khai lập dự án đối với công trình cung cấp nước sạch với phương châm dân biết, dân bàn, dân giám sát, quản lý việc thi công xây dựng và đánh giá chất lượng công trình, chất lượng nước sinh hoạt sau đầu tư của chính quyền các cấp.
Ngoài các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung của tỉnh, huyện. Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) cũng đã tích cực phối kết hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội kịp thời giải ngân vốn cho vay Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Kạn năm 2023-2025 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện Chợ Đồn sẽ có các xã Xuân Lạc, Đại Sảo, Phương Viên, Quảng Bạch, Yên Thượng, Bình Trung, Bằng Lãng, Thị trấn Bằng Lũng được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Từ những nỗ lực trong việc triển khai nâng cao hiệu quả sử dụng nước hợp vệ sinh mà hiện nay tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh của huyện đạt trên 90%. Huyện phấn đấu thời gian tới, số hộ khu vực thành thị được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99% trở lên, số hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98% trở lên.
Đồng bào Mông xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn sử dụng nước hợp vệ sinh từ nguồn vay Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện.
Ngân Sơn là huyện vùng cao, tỷ lệ hộ dân sinh sống chủ yếu ở khu vực nông thôn, việc được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh luôn là nhu cầu cấp thiết. Thực hiện Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg, ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ngân Sơn đã triển khai cho vay vốn đến các hộ dân có nhu cầu vay vay vốn. Đến hết tháng 8/2024, dư nợ cho vay chương trình đạt 15,2 tỷ đồng với 2.296 công trình được làm mới.
Ngày 15/7/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và có hiệu lực từ ngày 2/9/2024. Theo đó, mức cho vay tối đa chương trình được điều chỉnh tăng từ 10 triệu đồng/1 loại công trình/khách hàng lên 25 triệu đồng/1 loại công trình/khách hàng. Ngay khi Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg có hiệu lực Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tập trung giải ngân cho vay với số tiền gần 13 tỷ đồng với 299 hộ được vay vốn (598 công trình được xây dựng), tăng 12.940 triệu đồng so với 31/12/2023. Đến hết ngày 30/9/2024, tổng dư nợ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện Ngân Sơn đạt trên 28,1 tỷ đồng với 1.447 hộ vay vốn (2.894 công trình), chiếm tỷ lệ 19,26% số hộ dân toàn huyện....
Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Bắc Kạn, đến nay, toàn tỉnh có 286 công trình sử dụng nhưng không hiệu quả, chiếm tỷ lệ 40,7%; có 114 công trình không sử dụng được, chiếm tỷ lệ 16,3%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bất cập ngay khi khảo sát, thiết kế để xây dựng các công trình của các chủ đầu tư; công tác bàn giao; quản lý hồ sơ ở một số công trình chưa được thực hiện.
Việc khảo sát nguồn nước và địa điểm xây dựng công trình của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế chưa thật sự phù hợp nên nhiều công trình xây dựng xong không phát huy được hiệu quả, không đủ cung cấp nước cho người dân. Ðể giải quyết tình trạng trên, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các địa phương, ngành chuyên môn xây dựng phương án quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch theo hướng tất cả các công trình đều phải thu tiền sử dụng nước để người dân có ý thức, trách nhiệm.
Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Tỉnh Bắc Kạn đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đưa nước sạch đến với người dân vùng nông thôn, từng bước nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch tại khu vực nông thôn bằng việc huy động nhiều nguồn lực từ các nhà tài trợ nước ngoài, nguồn tín dụng ưu đãi, nguồn ngân sách Trung ương và nội lực của tỉnh từ các Chương trình Hợp tác sử dụng Quỹ đặc biệt Mê Công - Lan Thương, Chương trình cấp nước sinh hoạt tập trung vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay đã thực hiện đầu tư xây dựng 41 công trình đảm bảo cấp nước cho 3.500 điểm sử dụng và đang tiếp tục thực hiện theo kế hoạch dự kiến đến hết năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư 24 công trình cấp cho 2.228 điểm sử dụng để duy trì cấp nước ổn định các công trình hiện có, tăng tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình nước sạch, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tham gia quản lý, sử dụng, bảo quản các công trình nước sinh hoạt tập trung. Tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn, các công trình còn đảm bảo nguồn nước có thể khắc phục, sửa chữa được thì duy tu, sửa chữa phục vụ nhân dân, giảm tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và đơn vị được giao quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn thành lập Tổ quản lý công trình; nâng cao năng lực cho Tổ quản lý, vận hành công trình; lập phương án quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, bảo dưỡng công trình. Chú trọng bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng, khoanh nuôi rừng. Tuyên truyền nhân dân không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục được sử dụng để bảo vệ nguồn nước và chất lượng nguồn nước.
Đặc biệt, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án Cấp nước sinh hoạt tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Kạn năm 2023 - 2025. Theo đó, sẽ có 24 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã: Côn Minh, Lương Thượng, Cường Lợi, Trần Phú, Kim Lư, thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì); Bành Trạch, Khang Ninh, Địa Linh (huyện Ba Bể); Thượng Quan (huyện Ngân Sơn); Mai Lạp, Thanh Thịnh (huyện Chợ Mới); Xuân Lạc, Đại Sảo, Phương Viên, Quảng Bạch, Yên Thượng, Bình Trung, Bằng Lãng, thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn).
Việc đầu tư xây dựng các công trình nhằm cung cấp nước sinh hoạt tập trung cho các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo và gia đình chịu thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ, sinh sống ở vùng khó khăn chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Qua đó giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất và nâng cao mức sống, thúc đẩy sự phát triển về chính trị, kinh tế - xã hội của khu vực, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hà Trang
Bình luận