Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ năm, 12/01/2023 03:01
TMO - Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam duy trì thường xuyên hoạt động quan trắc các thành phần môi trường như: nước, không khí, đất, trầm tích trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, tổng hợp dư liệu về chất lượng môi trường, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình quan trắc môi trường do Sở TN&MT làm chủ đầu tư, tổng thời gian quan trắc hiện trường là 165 ngày. Tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức quan trắc môi trường tại 106 điểm. Trong đó quan trắc môi trường nước mặt (sông, hồ) 40 điểm; môi trường nước dưới đất 20 điểm; nước biển ven bờ 6 điểm; môi trường không khí xung quanh 29 điểm; môi trường đất 5 điểm; trầm tích 6 điểm. Năm 2023, tỉnh Quảng Nam dự chi hơn 4,7 tỷ đồng cho hoạt động quan trắc môi trường, trích từ nguồn sự nghiệp môi trường.
Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng hoàn thiện chương trình quan trắc môi trường của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chương trình sẽ thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, với các thành phần môi trường: nước mặt, nước dưới đất, nước biển ven bờ, không khí xung quanh, đất, trầm tích.
Các trạm, điểm quan trắc môi trường được xây dựng nhằm cập nhật liên tục dữ liệu về chất lượng môi trường. (Ảnh minh họa)
Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng và hoàn thành 106 điểm quan trắc, trong đó môi trường đất 5 điểm và trầm tích 6 điểm. Theo kết quả quan trắc môi trường năm 2022 (tính đến tháng 10/2022) cho thấy chất lượng môi trường đất trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, hàm lượng các kim loại nặng quan trắc được đều có sự biến động không nhiều, chất lượng đất và trầm tích giữ mức ổn định theo thành phần các kim loại phân tích, riêng tại vị trí sông Bồng Miêu hàm lượng Asen biến động trong một số thời điểm quan trắc. Dư lượng bảo vệ thực vật gốc Clo thu được vẫn ở mức rất thấp và nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép.
Công tác quản lý chất lượng nguồn nước và kiểm soát, phòng chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, triển khai thực hiện. Công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ nguồn nước được thực hiện thường xuyên.
Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 7/8 Khu công nghiệp đi vào hoạt động có hồ sơ môi trường và có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 85,71%). 4/8 Khu công nghiệp được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT (đạt tỷ lệ 50%) và 6/8 Khu công nghiệp đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc online kết nối truyền dữ liệu quan trắc về Sở TN&MT (đạt tỷ lệ 75%) và có hồ sự cố nước thải nên việc xả nước thải ra môi trường tại các Khu công nghiệp đang được kiểm soát chặt chẽ.
Quan trắc chất lượng môi trường bao gôm nước thải, khí thải từ hoạt động công nghiệp được UBND tỉnh quán triệt triển khai.
Ngoài việc đánh giá chất lượng môi trường thường xuyên, năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã triển khai quan trắc môi trường phóng xạ. Vị trí đo đạc thu mẫu phân tích, cụ thể: tại huyện Hiệp Đức, huyện Phú Ninh và huyện Tiên Phước và vị trí đo đạc thu mẫu tại các khu vực trọng yếu, gồm: Khu dân cư gần mỏ Urani Tiên An (Thôn 1 và thôn 3 xã Tiên An, huyện Tiên Phước); Khu vực các mỏ Urani Tiên An tại huyện Tiên Phước, mỏ Urani Pà Rồng - Pà Lừa tại huyện Nam Giang, mỏ Urani Khe Hoa – Khe Cao tại huyện Đại Lộc.
Nhiệm vụ tập trung vào việc đo suất liều gamma trong không khí; đo nồng độ radon trong không khí; đo liều tích lũy; đo hoạt độ của các nhân phóng xạ phát gamma trong mẫu đất, bùn và trầm tích; đo tổng hoạt độ anpha, bêta trong mẫu nước; đo hoạt độ của các nhân phóng xạ phát gamma trong mẫu lương thực, thực phẩm. Mục tiêu nhằm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường tỉnh Quảng Nam đầy đủ và hệ thống; đảm bảo đánh giá được phông nền phóng xạ trên địa bàn tỉnh và khoanh vùng các khu vực, cơ sở cần được chú ý để theo dõi, đánh giá thường kỳ.
Tại Chương trình quan trắc môi trường giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện chương trình đã được phê duyệt nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định dự toán kinh phí thực hiện Chương trình hằng năm, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định; tham mưu bố trí nguồn kinh phí thực hiện Chương trình với quy mô công việc hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách tỉnh hằng năm. Các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện Chương trình nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.
Thanh Nga
Bình luận