Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ bảy, 14/05/2022 17:05
TMO - Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2022 (từ ngày 15-22/5) được phát động với chủ đề "Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai".
Mục tiêu của chủ đề này nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mùa mưa bão năm 2022; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về phòng, chống thiên tai đến người dân tại cơ sở.
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã và sẽ triển khai chuỗi hoạt động như: Lễ công bố đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh (đã tổ chức ngày 11/5); Lễ trao giải cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống thiên tai lần thứ hai” (dự kiến ngày 25/5 tại Hà Nội); khánh thành thư viện tài liệu về công tác phòng, chống thiên tai; tổ chức truyền tải thông điệp truyền thông và tuyên truyền trên các cơ quan thông tấn báo chí, mạng xã hội kèm một số tài liệu tuyên truyền.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức buổi lễ hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2022 tại tỉnh Sóc Trăng vào ngày 16/5.
Cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai. Ảnh: TL
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 13/2/2019 về việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai hàng năm từ ngày 15 - 22/5, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, Chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác PHÒNG, chống thiên tai, thực hiện nhiệm vụ Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai và sự Phát triển bền vững.
Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban thường trực cho biết năm 2021, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, với gần 380 trận thiên tai gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Tại Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2022, thiên tai đã cho thấy những diễn biến phức tạp, dị thường, điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc đã khiến nhiệt độ giảm sâu, có nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ xuống tới -1,4 độ C. Theo thống kê, đợt rét trên tại khu vực Bắc Bộ và Nghệ An đã làm 6.341 con gia súc bị chết, trong đó có 3.826 con trâu, 1.437 con bò; 1.078 gia súc khác.
Bên cạnh đó, đợt mưa lũ bất thường từ ngày 30/3-2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà đã làm 3 người chết. Mưa lớn kèm theo giông lốc làm chìm 262 tàu, thuyền tại nơi neo đậu; 2.543 lồng bè nuôi tôm hùm hư hỏng; 200 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; trên 88.000 ha lúa và hơn 16.000 hoa màu bị gãy đổ, ngập trong lũ. Cũng theo ước tính từ các địa phương, đợt mưa lũ trái mùa ở miền Trung, Tây Nguyên gây thiệt hại 2.300 tỷ đồng.
Thiên tai trong những năm gần đây đang gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trên cả nước
Mới đây nhất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, mưa lũ từ ngày 9 đến 12/5 ở các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng đã làm 2 người chết và 1 người mất tích, 3 người bị thương. Ngoài ra, mưa lũ còn khiến 11 ngôi nhà sập; 231 ngôi nhà bị hư hỏng; 2.203ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập; 3,99ha thủy sản bị thiệt hại; sạt lở một số tuyến đường giao thông tại các tỉnh: Bắc Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, 1 ngầm tạm và 2 cầu bị hư hỏng..
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan: Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi và thượng lưu sông suối nhỏ; các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá… trên phạm vi toàn quốc.
Vì vậy, cùng với các giải pháp từ cơ quan chức năng thì việc nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà các địa phương cần ưu tiên triển khai, nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.
Hồng Anh
Bình luận