Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ hai, 21/08/2023 14:08
TMO - Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, khu và cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên việc hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường này tại các khu vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn hạn chế.
Số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh cho biết, tính đến năm 2023, chỉ có 4/51 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh xây dựng được hệ thống xử lý nước thải gồm CCN An Lưu (Điện Bàn), CCN Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình), CCN Trường Xuân 1 (TP.Tam Kỳ) và CCN – tiểu thủ công nghiệp (khối 7, thị trấn Núi Thành), hầu hết quy mô tương đối nhỏ.
Tuy nhiên Sở Công Thương tỉnh cho biết, hoạt động của hệ thống trên chưa hiệu quả, mặc dù đã được đầu tư hệ thống thu gom nước thải nội bộ độc lập với hệ thống thoát nước mưa nhằm thu gom nước thải từ các cơ sở sản xuất về trạm xử lý, nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối hệ thống nước thải vào hệ thống thu gom nước thải chung.
Ngoài ra, tại một số CCN trên địa bàn tỉnh hạ tầng kỹ thuật CCN chính như hệ thống xử lý nước thải vỉa hè, cây xanh… chưa được đầu tư đồng bộ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp thu hút trong CCN là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, không ảnh hưởng lớn đến môi trường, vì vậy có ít nhà máy sử dụng khu xử lý nước thải tập trung này, đồng thời chi phí để quản lý và vận hành cao nên không đủ ngân sách đảm bảo hoạt động lâu dài.
Hạ tầng xử lý nước thải tại các CCN trên địa bàn tỉnh cần được tiếp tục đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động (Ảnh minh họa).
Cùng với các CCN, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 14 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 3.676ha, tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng 8.925 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện khoảng 4.217 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 10/14 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 53%. Hầu hết KCN đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải (ngoại trừ KCN Thuận Yên), đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Tại một số KCN, nhà máy xử lý nước thải có quy mô công suất khá lớn, có thể kể đến nhà máy xử lý nước thải tại KCN Tam Thăng (Tam Kỳ), tổng công suất 28.000m3/ngày đêm; KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), tổng công suất xử lý nước thải đạt 5.000m3/ngày đêm hay nhà máy xử lý nước thải tại KCN Tam Hiệp (Núi Thành), công suất xử lý 4.800m3/ngày đêm…
Mặc dù, hạ tầng xử lý nước thải tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện, tuy nhiên theo đánh giá của ngành chức năng quá trình hoạt động cũng bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt nguồn thu không đủ chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống, nhất là với những KCN do nhà nước làm chủ đầu tư.
Thực tế cho thấy, những hạn chế về hạ tầng xử lý nước thải ở các cụm công nghiệp khiến công tác bảo vệ môi trường ở các KCN, CCN gặp khó khăn. Việc chưa đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải này dẫn đến việc thu hút đầu tư kém hiệu quả. Điều này dẫn đến việc một số doanh nghiệp, đơn vị ở KCN, CCN đi vào hoạt động không đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Tỷ lệ lấp đầy các KCN, CCN đang tăng lên, đồng nghĩa với việc áp lực bảo vệ môi trường ở khu vực này càng lớn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại KCN, CCN. Đồng thời, việc tuần tra, phát hiện, đấu tranh xử lý vi phạm được tăng cường.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hạ tầng xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng để Quảng Nam xây dựng các KCN sinh thái. Ảnh: PT.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, phát triển công nghiệp là định hướng lớn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện nay, ngành công nghiệp đã mang lại những thành công nhất định cho Quảng Nam, như thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Theo quy hoạch đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Quảng Nam sẽ phát triển thêm khoảng 20.000 ha cụm công nghiệp và KCN.
Hiện nay việc triển khai, phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, như vướng các thủ tục hành chính, giải phóng đền bù, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực đủ khả năng thu hút nhà đầu tư thứ cấp... Tuy nhiên, địa phương đang nỗ lực từng bước giải quyết khó khăn. Xác định phát triển công nghiệp là xu thế, nên tỉnh sẽ phát triển công nghiệp có chiều sâu, lâu dài, bền vững cho sau này.
Theo quy hoạch đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Quảng Nam sẽ phát triển thêm khoảng 20.000 ha cụm công nghiệp và khu công nghiệp. Trong thời gian tới, đối với các KCN mới, tỉnh sẽ định hướng phát triển theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường. Những KCN đã hiện hữu, tỉnh sẽ hướng phát triển theo hướng bảo vệ môi trường, trồng nhiều cây xanh và giảm bê tông.
Vũ Lộc
Bình luận