Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Chủ nhật, 15/05/2022 06:05
TMO - Hướng tới mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu gom và xử lý được 90% chất thải, tỉnh Hải Dương đang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
Thông tin từ Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương, theo ước tính năm 2020, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh của 405 cơ sở (có khối lượng chất thải phát sinh lớn) khoảng 1.941.660 tấn, đa phần là được thu gom, xử lý theo quy định. Còn lượng chất thải rắn sinh hoạt của toàn tỉnh Hải Dương vào khoảng 463.550 tấn, nhưng chỉ có khoảng 139.000 tấn (tương đương 30%) được xử lý theo hình thức đốt tiêu hủy, phần còn lại là chôn lấp.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công suất thiết kế đốt tiêu hủy theo dự án đầu tư đã được phê duyệt là 498 tấn/ngày đêm, ủ mùn compost 90 tấn/ngày đêm. Và khoảng 756 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động theo quy hoạch của UBND cấp huyện và cấp xã.
Hầu hết lượng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh được xử lý qua các lò đốt rác hoặc chôn lấp
Toàn tỉnh Hải Dương có 11 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, đầu tư, xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, 33 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động nhưng chỉ có 3 CCN có hệ thống xử lý nước thải. Theo quy định hiện hành, trên địa bàn tỉnh hiện có 36 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc môi trường tự động, đến nay các đơn vị đã thực hiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc tự động theo quy định.
Theo thống kê, địa phương này hiện có 12 doanh nghiệp đã đầu tư lò hơi sử dụng nhiên liệu đốt là vải vụn; 04 doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại có đủ chức năng, năng lực xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hoạt động dịch vụ, áp lực các nguồn thải tới môi trường đặc biệt là chất thải rắn ngày càng gia tăng. Theo tính toán, đến năm 2025 lượng chất thải rắn sinh hoạt của Hải Dương sẽ tăng lên, ước khoảng 506.255 tấn/năm và đến năm 2030 có thể lên đến 636.925 tấn/năm.
Để giải quyết vấn đề chất thải rắn trên địa bàn, tỉnh Hải Dương đã ban hành Đề án Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với đối tượng được xác định bao gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Theo đó, tỉnh sẽ triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Ưu tiên lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2025 có 90% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Định hướng đến 2030, có 100% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Rác được phun chế phẩm vi sinh trước khi được đem đi xử lý
Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Hoàn thiện các quy định, chính sách về quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022 - 2023 đề án xác định cần tối thiểu 2 năm để tiến hành thực hiện mô hình thí điểm, trong quá trình thực hiện có thể có phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương. Sau khi thực hiện thí điểm, cần có đánh giá và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện cho những năm tiếp theo.
Thực hiện mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn áp dụng trên địa bàn 22 xã (mỗi huyện, TX, TP thí điểm tại 2 xã trừ TP.Hải Dương). Năm 2023 tổ chức đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho giai đoạn 2024 - 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn.
Năm 2024 - 2025 triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn ở khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp thông thường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, thúc đẩy việc phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường; xử lý chất thải kết hợp với việc thu hồi năng lượng, khuyến khích hoạt động đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất.
Khánh Nam
Bình luận