Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 17:01
Thứ hai, 22/01/2024 14:01
TMO - Nhờ khai thác tốt chính sách hỗ trợ, mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhất là các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong những năm qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung chỉ đạo, triển khai tích cực các nội dung hỗ trợ trong Chương trình hỗ trợ hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã chủ động ban hành Chương trình, Nghị quyết, Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện trong tỉnh. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và Ban Chỉ đạo về kinh tế tập thể các cấp được thành lập, kiện toàn thường xuyên; Các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tư vấn thành lập mới, chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho các hợp tác xã được các sở, ban, ngành địa phương quan tâm thực hiện.
Thông qua các chính sách hỗ trợ, góp phần thúc đẩy hợp tác xã hoạt động ổn định và hiệu quả hơn; công tác tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã chuyển đổi tổ chức lại hoạt động và công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các hợp tác xã được quan tâm thường xuyên giúp các hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, các hợp tác xã được tổ chức lại hoạt động thực chất hơn, chất lượng dịch vụ, sản phẩm của mỗi hợp tác xã dần được nâng cao; số lượng hợp tác xã được thành lập mới đa dạng trong các ngành, lĩnh vực, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên.
Theo đó, các HTX nông nghiệp đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ thúc đẩy liên kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên cũng như tạo việc làm cho người lao động góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động và thành viên của HTX. Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt các khâu dịch vụ về tưới tiêu, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông, cung ứng vật tư nông nghiệp… Nhiều HTX đã thực hiện chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, cung cấp cây con giống, vật tư phân bón, hỗ trợ thành viên về khoa học kỹ thuật, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Các HTX nông nghiệp đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ thúc đẩy liên kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên cũng như tạo việc làm cho người lao động. Ảnh: HP.
Trong năm 2023, toàn tỉnh đã có 19 HTX được thành lập, trong đó 17 HTX đã tổ chức Hội nghị thành lập và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã (09 HTX trồng trọt, 02 HTX chăn nuôi, 06 HTX tổng hợp), cụ thể: 03 HTX ở thành phố Bà Rịa; 01 HTX ở thị xã Phú Mỹ; 07 HTX ở huyện Châu Đức; 03 HTX ở huyện Đất Đỏ; 03 HTX ở huyện Xuyên Mộc; 02 HTX đã tổ chức Hội nghị thành lập, hiện đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã tại huyện Châu Đức.
Trong tổng số 130 HTX, hiện có 97 HTX đang hoạt động trên địa bàn các xã xây dựng Nông thôn mới; Số HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gồm 41 HTX; Số HTX thực hiện liên kết gồm 29 HTX. Các Hợp tác xã đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ thúc đẩy liên kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên cũng như tạo việc làm cho người lao động góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động và thành viên của HTX. Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp là một tổ chức kinh tế, tham gia vào các hoạt động và đem lại lợi ích kinh tế cho thành viên, xã hội và Nhà nước. Vì vậy, khi HTX hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất góp phần tích cực phát triển kinh tế ở địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì phần lớn các Hợp tác xã cũng còn tồn đọng những khó khăn: Nguồn lực đầu tư bao gồm cả tài chính và nhân lực trong các hợp tác xã còn thiếu và yếu; phương án sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã chưa thật sự hiệu quả nên khó tiếp cận với các nguồn vốn vay để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều hợp tác xã có đội ngũ cán bộ, thành viên chưa qua đào tạo, chưa có cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng hoặc đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật về làm việc tại hợp tác xã dẫn đến việc áp dụng thiết bị công nghệ mới khó khăn, do đó dẫn đến tâm lý không muốn đầu tư.
Một số sản phẩm chưa có nhãn hiệu, thương hiệu; công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế nên chưa phát huy được lợi thế, cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Phần lớn các Hợp tác xã thường bán qua thương lái, rất ít hợp tác xã thực hiện ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ cho các thành viên và doanh nghiệp hoặc hợp đồng còn mang tính hình thức, chưa chặt chẽ. Chính vì điều này dẫn đến thị trường tiêu thụ của các hợp tác xã thường không ổn định.
Ngoài ra, các HTX chưa thực hiện đúng theo quy định trong thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ; nội dung báo cáo không bám sát theo yêu cầu đề cương hướng dẫn gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc đề xuất, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách giải quyết những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển sản xuất cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Nhiều mô hình HTX đã áp dụng khoa học cộng nghệ trong sản xuất đã đem lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xác định mục tiêu trong 10 năm tới là tập trung phát triển hợp tác xã đa dạng về lĩnh vực, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trên mọi vùng lãnh thổ; các hình thức mở rộng quy mô thành viên; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên.... Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể về phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao về phát triển nông nghiệp mà nòng cốt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đây là cách để tỉnh từng bước trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Cụ thể, tổng diện tích dự kiến quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương này là khoảng 5.100 ha để kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung ở 3 huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ. Các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ yếu tập trung các lĩnh vực trồng trọt như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel kết hợp bón phân. Mặt khác, một số doanh nghiệp còn áp dụng công nghệ thủy canh, công nghệ Aquaponics, công nghệ theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ từ xa, công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR….
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mô hình liên kết này không chỉ phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, đây sẽ tiếp tục là hướng phát triển trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của lĩnh vực kinh tế tập thể trong giai đoạn tới.
Được biết, từ nay đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 10-15 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2030 là 274 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổng số thành viên 20.280 người và 9.900 lao động. Mục tiêu đến cuối năm 2030, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã đạt khoảng 2.769 triệu đồng/năm, lợi nhuận hợp tác xã đạt 332 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động khoảng 85 triệu đồng/người/năm trong lĩnh vực nông nghiệp và116 triệu đồng/người/năm trong hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp. Đồng thời, đến cuối năm 2030 có tối thiểu 80% số lượng hợp tác xã nông nghiệp có hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Thu Hằng
Bình luận