Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ hai, 18/04/2022 12:04
TMO - Nhằm nâng cao năng lực xử lý nước thải góp phần bảo vệ chất lượng môi trường, TP HCM đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng đến việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải và triển khai thu phí nước thải.
Thông tin từ Sở Xây dựng TP HCM cho biết, hiện nay mỗi ngày, lượng nước thải đô thị phát sinh tại thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1,54 triệu m3. Lượng nước thải này phát sinh chủ yếu từ hai nguồn chính: Hoạt động sinh hoạt hằng ngày và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nguồn nước thải chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân. Việc cần có thêm nhà máy xử lý nước thải là đòi hỏi cấp thiết.
Việc nâng cao năng lực xử lý nước thải đô thị góp phần bảo vệ môi trường sống của người dân sống ven các hệ thống kênh lớn của thành phố
Hiện TP HCM có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, gồm nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1), công suất 141.000 m3/ngày, nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất 30.000 m3/ngày, nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1) công suất 131.000 m3/ngày.
Ngoài ra, có 4 trạm xử lý nước thải phi tập trung gồm trạm Tân Quy Đông (500 m3/ngày); khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (3.700 m3/ngày); trạm Khu tái định cư 17,3 ha phường Bình Khánh, TP Thủ Đức (3.000 m3/ngày)… Tuy nhiên, theo thống kê tổng lượng nước thải qua xử lý hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ 12,6%. Như vậy, có hơn 80% lượng nước thải thải ra môi trường chưa được xử lý.
Đầu tư xây dựng, hoàn thiện các nhà máy xử lý nước thải, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý nguồn nước thải tại đô thị trên địa bàn thành phố
Hiện tại, thành phố đang đầu tư một số dự án, trong đó có việc hợp nhất các nhà máy: Tây Sài Gòn (công suất 150.000m3/ ngày); Tân Hóa-Lò Gốm (300.000m3/ngày) và Bình Tân (180.000m3/ngày), dự kiến hoàn tất vào năm 2030. Khi đó, chất lượng nước khi thải ra đạt tiêu chuẩn A (các loài nhạy cảm với sự thay đổi môi trường nước có thể sống được). Cùng với đó, thành phố đang nâng cấp, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, nâng công suất từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ ngày; Nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè đạt công suất 480.000m3/ngày...
Ngoài ra, thành phố đã và đang tích cực kêu gọi nguồn vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải, mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), để tạo thêm nguồn vốn.
Trước sự gia tăng dân số mạnh mẽ, yêu cầu bức thiết tại TP HCM ngay lúc này là nâng cấp hệ thống các nhà máy xử lý nước thải đô thị
Với quy mô dân số tăng nhanh trong quá trình đô thị hóa, các chuyên gia cho rằng nhu cầu về xử lý nước thải sinh hoạt đô thị theo quy hoạch tổng thể thoát nước TP HCM đến năm 2020 không còn phù hợp. Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2020 thành phố sẽ có 9 nhà máy xử lý nước thải, xử lý 1.950.000 m3/ngày, đến năm 2025 nâng lên 11 nhà máy, xử lý 3.076.000 m3/ngày.
Để giải quyết bài toán xử lý nước thải trong thời gian tới, UBND TP HCM đã xây dựng Đề án chống ngập và xử lý nước thải thành phố giai đoạn 2020-2045. Theo đó, đến năm 2025 khoảng 80% tổng lượng nước thải của thành phố sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường với khoảng 2.580.000 m3/ngày.
Thanh Nga
Bình luận