Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 04/04/2025 05:04
Thứ năm, 03/04/2025 06:04
TMO - Nhiều vùng trồng rau an toàn trên địa bàn TP. Hà Nội hiện nay đã bắt kịp nhu cầu thị trường, đưa nhiều giống cây, chủng loại rau có chất lượng tốt, đảm bảo sức khoẻ của người tiêu dùng vào quá trình canh tác. Từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thương hiệu cho rau Hà Nội.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, chịu hậu quả quả nặng nề bởi bão số 3. Vượt qua rất nhiều khó khăn, ngành Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp và Môi trường đạt từ 2,5% trở lên, trong đó, mở rộng diện tích trồng rau hằng năm lên 36.749ha, trong đó vùng sản xuất rau chuyên canh tập trung khoảng 7.251ha, tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn quy mô lớn từ 20 đến 25ha trở lên..
Để đạt được mục tiêu trên, TP. Hà Nội khuyến khích người dân tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất VietGAP, hữu cơ, hình thành và phát triển nhiều vùng rau an toàn có thương hiệu, chất lượng. Đơn cử trên địa bàn huyện huyện Chương Mỹ, các vùng rau an toàn được các chủ thể, HTX tích cực canh tác. Để tạo sức cạnh tranh trên thị trường và nâng cao giá trị từ cây rau, các HTX, chủ thể sản xuất luôn tuân thủ quy định sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ chất lượng, thương hiệu sản phẩm, mỗi ngày, người dân, HTX cung cấp hàng tấn rau trực tiếp đến các khách hàng, và các siêu thị, chuỗi siêu thị.
Đặc biệt với các sản phẩm đa dạng về chủng loại, ổn định về sản lượng và đáp ứng tiêu chí mùa nào rau đó đã mang lại cho người dân thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, để bảo đảm chất lượng rau an toàn, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn cho người dân.
Các lớp tập huấn đã hướng dẫn người dân từ kỹ thuật sử dụng phân bón, tưới tiêu, cách phun thuốc bảo vệ thực vật và quy trình thu hoạch sản phẩm. Do vậy, nông dân ở các vùng trồng rau an toàn không chỉ cung cấp cho thị trường nguồn nông sản an toàn có tem nhãn nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mà còn giúp cải thiện môi trường làm việc.
Đồng thời bảo đảm sức khỏe cho chính người dân tham gia sản xuất do không phải tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu độc hại; nhiều mô hình trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP cho giá trị kinh tế cao. Mặc dù hiệu quả mô hình trồng rau an toàn đã rõ, song trong quá trình sản xuất còn khó khăn.
Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, số lượng hộ nông dân sản xuất lớn (khoảng 120.000 hộ sản xuất rau). Việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân còn thiếu chặt chẽ, chưa hài hòa lợi ích giữa các bên, khiến hợp đồng tiêu thụ nông sản thường bị phá vỡ.
Điều này dẫn tới tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu là qua kênh bán buôn tại các chợ đầu mối; nhiều vùng trồng rau an toàn đã được quy hoạch, nhưng chưa có khu chế biến rau an toàn riêng
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho rằng, để nông dân làm giàu từ sản xuất rau an toàn, các địa phương cần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm rau an toàn; đầu tư có trọng điểm các vùng trồng rau truyền thống, có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đủ điều kiện để sản xuất rau an toàn, thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm để nhân diện rộng. Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cũng đẩy mạnh tập huấn kiến thức về sản xuất rau an toàn cả ở các vùng chuyên canh, vùng sản xuất quy mô nhỏ, bảo đảm các vùng rau trên địa bàn TP đã sản xuất là an toàn.
(Ảnh minh hoạ).
Bên cạnh tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng, sử dụng rau an toàn đã được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng, giúp các hợp tác xã, nông dân sản xuất rau an toàn nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, thay đổi nhận thức của người dân từ phương thức quảng canh sang thâm canh liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị rau thành phẩm, phát triển vùng rau an toàn, bền vững.
Đồng thời hướng dẫn người dân canh tác an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường và sức khoẻ của người tiêu dùng…Để giữ vững và phát triển vùng rau an toàn, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND, về việc triển khai duy trì, mở rộng phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Theo Kế hoạch số 137/KH-UBND, trong giai đoạn 2021-2025, ngoài việc duy trì sản xuất trên diện tích 5.044ha đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Hà Nội sẽ mở rộng thêm 3.000-4.000ha rau an toàn với giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm, riêng vụ đông đạt 120 triệu đồng/ha/vụ. Cùng với đó, Hà Nội sẽ kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định cho 90% diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn và phát triển thêm 30-40 chuỗi cung cấp rau an toàn, bảo đảm 100% truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Những diện tích nhỏ lẻ, không sản xuất chuyên canh cũng sẽ được tổ chức quản lý theo quy trình sản xuất an toàn. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường hoạt động nghiên cứu, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất rau an toàn...
Trong giai đoạn tiếp theo, để bảo đảm phát triển bền vững diện tích rau an toàn trên địa bàn thành phố, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu; kiểm tra sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp theo phân công, phân cấp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
Về lâu dài, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc đến hộ sản xuất và có sự tham gia của cả người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng; đồng thời đăng ký thương hiệu riêng cho từng sản phẩm rau, củ, quả chủ lực, nhất là đối với các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Qua đó xây dựng, quảng bá thương hiệu rau an toàn Thủ đô đến đông đảo người tiêu dùng.
Thuý Nga
Bình luận