Hotline: 0941068156
Thứ hai, 05/05/2025 22:05
Thứ hai, 05/05/2025 15:05
TMO - Tỉnh Nam Định triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển trong bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, bảo vệ môi trường, các loài sinh vật biển, bảo tồn đa dạng sinh học,...
Triển khai thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu…tỉnh Nam Định đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030 gồm: hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung thu hút phát triển các ngành kinh tế có lợi thế vùng ven biển…
Trong đó, đối với nhiệm vụ phát triển hạ tầng ven biển phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển ở vùng bờ, địa phương này tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển đa mục tiêu, đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng phù hợp với các quy hoạch ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển, dịch vụ vận tải biển, từng bước hình thành các chuỗi cung ứng vận tải biển, tổng kho phân phối, hoàn thiện hạ tầng logistics kết nối liên thông với các cảng biển lớn của khu vực. Xây dựng cảng biển tổng hợp mới phục vụ cho phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, các nhà máy luyện thép quy mô lớn...
Tỉnh Nam Định khai thác lợi thế tài nguyên biển, phát triển các ngành kinh tế biển (Ảnh: BLĐ).
Nghiên cứu phát triển hướng ra biển (lấn biển) khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh. Trong đó, định hướng công nghiệp xanh; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu là trọng tâm; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng. Xây dựng hệ thống đô thị và các khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn. Nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông để tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng và phòng, chống xói lở bờ biển.
Phát triển nhanh, đa dạng lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch tại khu vực biển, ven biển. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng gắn với các điểm du lịch như Vườn quốc gia Xuân Thủy, các khu du lịch Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông, khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu Nhà thờ đổ Hải Lý,…
Hình thành các tuyến du lịch biển gắn với du lịch văn hóa, tín ngưỡng và tuyến du lịch liên tỉnh. Lập hồ sơ kiểm kê, xếp hạng di tích các cấp tỉnh, quốc gia, quốc gia đặc biệt; kiểm kê, đưa di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới, di sản tư liệu, nhằm gìn giữ giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển.
Đặc biệt, đẩy mạnh điều tra cơ bản về tài nguyên biển, tài nguyên vùng bờ phục vụ phân vùng sử dụng không gian biển, bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội: Khảo sát, điều tra, đánh giá và xác định các khu vực có thể lấn biển để phát triển bền vững, thịnh vượng vùng bờ Việt Nam theo Nghị quyết số 48/NQ- CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phối hợp với với các bộ, ngành Trung ương thực hiện điều tra, đánh giá và xác định các khu vực ưu tiên cho phát triển điện gió ngoài khơi trên cơ sở các khu vực tiềm năng phát triển điện gió; các khu vực khai thác cát biển trên cơ sở các khu vực tiềm năng khai thác vật liệu xây dựng đã được xác định trong Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức thực hiện phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ trong quy hoạch tỉnh.
Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030 để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam theo Quyết định số 1539/QĐ-TTg ngày 10/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường kiểm soát và quản lý các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ đất liền và các hoạt động trên biển tại vùng bờ tỉnh Nam Định. Tăng cường nâng cao ý thức, nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển trong bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, bảo vệ môi trường, các loài sinh vật biển, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng bờ.
Chú trọng ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Chuyển từ nuôi trồng theo phương thức truyền thống sang công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo chuỗi giá trị khép kín từ nuôi trồng, khai thác đến bảo quản, chế biến, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kinh tế biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng....
Địa phương này chú trọng ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến sau thu hoạch (Ảnh: VM).
Tỉnh Nam Định có bờ biển dài 72km, trải dài qua 3 huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, với 80 xã, thị trấn, trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đặt ra về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo là, xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững;
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp với phát triển các ngành nông nghiệp, thủy sản; phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh,… Mục tiêu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn 3 huyện ven biển chiếm tỷ trọng từ 30-35% so với toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 110 triệu đồng/người/năm.
Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hình rõ về không gian và định hướng phát triển, thu hút đầu tư của vùng kinh tế biển của tỉnh. Theo đó, tỉnh phân vùng kinh tế biển gồm các địa phương: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường. Các địa phương này sẽ tham gia liên kết phát triển 3 hành lang kinh tế động lực chủ đạo. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng 3 vùng kinh tế động lực, trong đó có vùng kinh tế biển.
Vùng kinh tế biển sẽ thúc đẩy phát triển khu vực biển, ven biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỉnh Nam Định cũng xác định, tại vùng kinh tế biển theo định hướng không gian mới sẽ rất thuận lợi để phát triển đô thị biển, kinh tế biển với đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển 4 nhóm ngành gồm công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản.../.
Lê Hạnh
Bình luận