Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Chủ nhật, 11/06/2023 06:06
TMO - Bộ Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy, cho biết việc khai thác kim loại dưới biển sâu sẽ giúp châu Âu đáp ứng nhu cầu cấp thiết về khoáng sản và đất hiếm cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.
Giới chức Na Uy đang hoàn thiện kế hoạch khai thác khoáng sản dưới đáy biển Greenland và biển Na Uy, phía tây nam quần đảo Svalbard ở Bắc Cực, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về những nguồn tài nguyên này ở châu Âu.
Khu vực này ước tính có tới 38 triệu tấn đồng, nhiều mỏ coban lớn, cùng các mỏ đất hiếm như neodymi và dysprosi, được sử dụng để lắp ráp xe điện và tuabin gió. Nếu kế hoạch trên được thông qua, Na Uy sẽ là quốc gia đầu tiên có tiềm năng khai thác kim loại sản xuất pin từ đáy biển. Hai tuần tới, Bộ Năng lượng Na Uy sẽ trình lên Quốc hội dự thảo kế hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản ở vùng biển có diện tích bằng cả nước Đức. Cuộc bỏ phiếu về dự án khai thác này dự kiến sẽ diễn ra vào mùa thu tới.
Na Uy lên kế hoạch khai thác khoáng sản dưới đáy biển.
Ngoài chuyển đổi xanh, khai thác khoáng sản dưới biển sâu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực của EU nhằm giảm phụ thuộc kinh tế Trung Quốc, khi nguồn cung hiện tại của các kim loại này phần lớn do Trung Quốc kiểm soát. Hiện nay, 98% nhu cầu về đất hiếm của châu Âu được đáp ứng thông qua nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Khoa học và công nghệ Na Uy (NTNU), thềm lục địa Na Uy có thể chứa trữ lượng đồng lên đến 21,7 triệu tấn, tức lớn hơn tổng sản lượng đồng của thế giới trong năm 2019 và trữ lượng kẽm 22,7 triệu tấn. Các kim loại được phát hiện dưới đáy biển của Na Uy dưới dạng hợp chất hợp chất sulphur đa kim, được hình thành khi nước biển tiếp xúc với đá mắc ma (đá nóng chảy) và bị đẩy ngược về đáy biển mang theo các kim loại và sulphur đã hòa tan. Các cuộc khảo cứu cũng phát hiện hàm lượng cao của lithium và kim loại đất hiếm scandium (được sử dụng nhiều ở các linh kiện điện tử) và các lớp hợp kim mangan hình thành trên bề mặt đáy biển.
H. Vân
Bình luận