Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 05:11
Thứ tư, 05/07/2023 19:07
TMO - Việc có thể khai thác mỏ sắt Thạch Khê cũng là một dấu ấn nhưng Hà Tĩnh quan ngại nhiều rủi ro, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển năm 2016. Do đó, tỉnh Hà Tĩnh mong muốn cấp có thẩm quyền sớm đưa ra phương án chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Trong buổi làm việc với Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) mới đây, về mỏ sắt Thạch Khê, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết tỉnh Hà Tĩnh hết sức trăn trở do thời điểm triển khai dự án chưa lường hết được mọi hệ lụy xảy ra. Việc có thể khai thác mỏ sắt Thạch Khê cũng là một dấu ấn nhưng Hà Tĩnh quan ngại nhiều rủi ro, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển năm 2016. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lo lắng về các yếu tố khoa học kỹ thuật, nguy cơ biển Hà Tĩnh sẽ không còn.
Tỉnh Hà Tĩnh mong muốn TKV chia sẻ cùng với địa phương, trên cơ sở những ý kiến đề xuất, nhận thấy nếu phải thành lập tổ tư vấn giám sát việc phản biện thì cần phải thành lập tổ để tháo gỡ. Hà Tĩnh rất thẳng thắn nhận thấy nếu tiếp tục khai thác thì sẽ có nhiều khó khăn, rủi ro, xảy ra. Khu vực mỏ sắt Thạch Khê là bờ vùng phát triển du lịch rất tốt, Hà Tĩnh mong muốn TKV có thể xem xét hợp tác với Hà Tĩnh trong phát triển du lịch, dịch vụ biển.
Nhiều ý kiến đều cho rằng, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê sử dụng công nghệ khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ tại đây, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển quặng của dự án khó khả thi, hiệu quả thấp; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn và năng lực tài chính của nhà đầu tư không bảo đảm. Chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả xã hội, môi trường, lợi ích xã hội, cơ hội việc làm của người dân...do đó đã gây bức xúc cho người dân địa phương.
(Ảnh minh họa)
Ở chiều ngược lại, không ít ý kiến cho rằng, tỉnh Hà Tĩnh cần phải phản biện một cách nghiêm túc. Việc dừng khai thác hay không cần dựa trên cơ sở khoa học. Tỉnh Hà Tĩnh cần thành lập một tổ tư vấn giám sát việc phản biện. Đại diện phía TKV cho biết, đã báo cáo quá trình triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê, hiện trạng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC). Theo đó, việc tạm dừng dự án đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho TIC như: Có nguy cơ mất vốn góp của các nhà đầu tư; TIC đang bị Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản dẫn đến không có nguồn thu để trả lương cho người lao động, thanh khoản nợ nhà thầu nước ngoài; TIC có nguy cơ bị Cục thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh kê biên tài sản trụ sở văn phòng để trả nợ cho nhà thầu nước ngoài.
Cũng theo đại diện TKV, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, TKV đã chỉ đạo TIC xây dựng Phương án trung gian (khai thác đến mức -145m như giai đoạn 1 của dự án) để đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét cho phép TIC triển khai với một số tiêu chí như: Quặng nguyên khai: 41,8 triệu tấn; đất đá bóc: 121,3 triệu m3; tổng mức đầu tư trước thuế là hơn 5 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là hơn 4 năm, thời gian thực hiện phương án là 10 năm. Do đó, TKV đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cùng thống nhất TKV báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho phép TIC triển khai phương án trung gian nhằm khẳng định tính thực tiễn về hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Ngoài ra, đại diện TKV đề nghị tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ TKV sớm giải quyết việc cưỡng chế thuế, phong tỏa tài khoản ngân hàng của TIC và chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng, phát sinh liên quan công tác bồi thường và hỗ trợ tái định cư trước đây.
Được biết, để triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, từ năm 2007, TKV đã chủ trì cùng với các nhà đầu tư trong nước thành lập Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (trong đó TKV nắm cổ phần chi phối). Luỹ kế đến nay, TKV và các nhà đầu tư đã góp 1.800 tỷ đồng vào dự án. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai dự án, từ năm 2017 đến nay dự án đã phải dừng triển khai do tỉnh Hà Tĩnh và một số bộ, ngành đã kiến nghị xem xét dừng dự án sắt Thạch Khê. Việc dừng thực hiện dự án sẽ phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt. Điều này có ảnh hưởng lớn tới các cổ đông đã góp vốn thực hiện dự án, nguy cơ tổn thất vốn, đặc biệt là khó trong việc xử lý khoản nợ hơn 130 tỷ đồng đối với các nhà thầu trong nước và quốc tế, gây lãng phí các hạng mục đã đầu tư.
Ngoài ra, với một dự án từng được đánh giá có nhiều tiềm năng như mỏ sắt Thạch Khê, TKV cho rằng, nếu bị dừng lại sẽ dẫn tới mất một nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Trước đó, theo tính toán, phía TKV cho biết, khi hoàn thành giai đoạn I dự án sẽ nộp ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng/năm; giai đoạn II nộp ngân sách trên 2.800 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, khoảng 3.500 lao động địa phương theo kế hoạch cũng sẽ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm trực tiếp nếu dự án đi vào hoạt động. Đại diện TKV cũng cho hay, do dự án bị dừng lại nên đơn vị triển khai thực hiện là Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) cũng đang phải xoay xở với hàng loạt các khó khăn về tài chính và quyền lợi của người lao động. Đại diện TIC cho biết, do dự án dừng lại nên đã phải tinh giản người lao động xuống mức tối thiểu để duy trì bộ máy, thời điểm cao nhất là 217 cán bộ công nhân viên, nay chỉ còn lại 68 người. Do bị cưỡng chế thi hành chính sách thuế tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nên công ty không tự chủ được tài chính dẫn đến tình trạng nợ lương người lao động, nguy cơ người lao động không tiếp tục làm việc tại TIC là hiện hữu do không bảo đảm mức sống tối thiểu.
Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2009. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370-400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10-15 triệu tấn mỗi năm. Doanh thu của dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hằng năm 0,3-1%. Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp khó khăn trong huy động vốn. Từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ, chủ đầu tư đã phải tính toán lại, giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 6.700 tỷ. Đến tháng 3/2017, dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng.
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà với 5.928 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Đến nay, tổng diện tích dự án đã giải phóng mặt bằng 830,1 ha, trong đó 741,3 ha thuộc khu vực mỏ và bãi thải, 88,8 ha thuộc công trình hạ tầng tái định cư. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án đến nay đạt 1.798,29 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng cơ bản 1.287,9 tỷ đồng, giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư 387,76 tỷ đồng.
Nhóm PV
Bình luận