Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 25/05/2025 17:05
Chủ nhật, 25/05/2025 11:05
TMO – Các địa phương có diện tích trồng sầu riêng cần chỉ đạo tổ chức sản xuất tuân thủ đúng các quy định, quy trình và phù hợp với điều kiện thực tế; kiểm soát chặt chẽ diện tích trồng mới, không để xảy ra tình trạng tăng nóng về quy mô, phá vỡ cân đối cơ cấu cây trồng, cân đối cung - cầu và các trường hợp lạm dụng đất rừng, đất dốc hoặc các khu vực không đáp ứng điều kiện sản xuất bền vững.
Trong Công điện mới đây gửi các Bộ, ngành và địa phương liên quan về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm sầu riêng Việt Nam; phát triển hệ thống nhận diện, tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán lẻ hiện đại, sàn thương mại điện tử và hệ thống phân phối quốc tế.
Thúc đẩy xây dựng hệ thống phân phối sầu riêng ổn định tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt Nam và nhà nhập khẩu nước ngoài, bảo đảm duy trì thị phần và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
Sầu riêng - một trong những loại trái cây có giá trị kinh tế cao.
Tuyên truyền, hướng dẫn các Hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường kết nối, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu sầu riêng. Chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại tại các nước tích cực khảo sát, mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu mới đối với sầu riêng Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xuất khẩu bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Hải quan ưu tiên làm thủ tục thông quan cho các lô hàng sầu riêng trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi, giãn thuế cho doanh nghiệp chế biến, bảo quản sầu riêng xuất khẩu; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sâu.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; làm giả hồ sơ, chứng từ xuất khẩu và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu sầu riêng làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường, gây bất ổn sản xuất, xuất khẩu sầu riêng.
Ngành nông nghiệp các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ diện tích trồng sầu riêng, tránh tình trạng mất cân đối cơ cấu cây trồng và cung-cầu.
Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai, Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Thuận, Kon Tum, Tây Ninh, Khánh Hòa, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, An Giang, Long An, Phú Yên, Kiên Giang, Ninh Thuận và TP. Cần Thơ chỉ đạo tổ chức sản xuất sầu riêng trên địa bàn tuân thủ đúng các quy định, quy trình, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế; kiểm soát chặt chẽ diện tích trồng mới, không để xảy ra tình trạng tăng nóng về quy mô, phá vỡ cân đối cơ cấu cây trồng, cân đối cung - cầu và các trường hợp lạm dụng đất rừng, đất dốc hoặc các khu vực không đáp ứng điều kiện sản xuất bền vững.
Rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển vùng trồng sầu riêng theo hướng tập trung, quy mô lớn, thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; khuyến khích hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh. Đồng thời, chỉ đạo việc quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất để bảo đảm các cơ sở, đơn vị được cấp mã tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Hướng dẫn, hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành và phát triển các chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ - xuất khẩu sầu riêng; có cơ chế khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư vào chế biến sâu, kho lạnh, logistics, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tổ chức thực hiện các chương trình giám sát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm sầu riêng; tích cực tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật Việt Nam và của nước nhập khẩu, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về quản lý mã số vùng trồng, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia.
Phối hợp với các cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát toàn diện chuỗi sản xuất - đóng gói - tiêu thụ - xuất khẩu sầu riêng; hướng dẫn xây dựng hệ thống giám sát nội bộ tại vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động ổn định sau khi được cấp mã, tuân thủ đầy đủ các quy định kỹ thuật của Việt Nam và của thị trường nhập khẩu.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2020, tổng diện tích sầu riêng cả nước chỉ hơn 71.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023 con số này đã hơn gấp đôi, lên mức gần 151.000 ha. Tập trung ở khu vực Tây Nguyên, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ và một số ít các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Trong một vài năm tới, khi diện tích cho thu hoạch tăng lên, sản lượng sầu riêng Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi. Nhiều ý kiến cho rằng, giá sầu riêng cao dẫn đến tình trạng người người, nhà nhà đổ xô trồng sầu riêng. Trong khi đó, chuỗi cung ứng sản xuất, thu mua, xuất khẩu sầu riêng còn rời rạc, chưa chuyên nghiệp và chưa ổn định và chưa bền vững. |
THIÊN LÝ
Bình luận