Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 24/05/2025 12:05
Thứ bảy, 24/05/2025 07:05
TMO – Tín dụng xanh đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, trở thành công cụ tài chính quan trọng để thúc đẩy các dự án bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, mô hình này cũng đã và đang được triển khai và bước đầu mang lại kết quả. Tuy nhiên, còn không ít vấn đề được xem là những khó khăn cần tháo gỡ.
Tín dụng xanh là hình thức cấp vốn của các tổ chức tài chính nhằm thúc đẩy các dự án và hoạt động thân thiện với môi trường, giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Cụ thể, các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính sẽ cấp khoản vay với mục tiêu tài trợ cho những dự án năng lượng sạch, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tín dụng xanh thường là khoản vay, nên yêu cầu trả nợ cả gốc lẫn lãi trong khoảng thời gian nhất định. Tổ chức vay sẽ phải trả lại tiền cho bên cho vay theo điều khoản đã ký.
Có thể nói, trong thời gian qua mô hình ‘tín dụng xanh’ đã được nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng triển khai như một sản phẩm mang tính chiến lược bởi xu thế hiện nay và bước đầu mang lại kết quả, góp phần đáng kể vào tăng trưởng xanh, bền vững dù chưa đạt kỳ vọng. Đơn cử, một ngân hành thương mại đã dành 30.000 tỷ đồng tài trợ dự án đầu tư thuộc các ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh với lãi suất ưu đãi cố định đến 24 tháng chỉ từ 6,0%/năm áp dụng đến hết ngày 31/12/2025 (hoặc đến khi hết quy mô chương trình). Dành 2.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP với lãi suất thấp hơn tối đa 2,0%/năm so với sàn lãi suất cho vay của ngân hàng này.
Nông nghiệp – một trong những lĩnh vực tiềm năng thúc đẩy phát triển tín dụng xanh. Ảnh minh họa.
Chương trình cho vay của nhà băng này khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với quy mô vốn tối thiểu 50 nghìn tỷ đồng dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… ngân hàng này cũng triển khai chương trình cho vay tín dụng xanh ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân với quy mô 10.000 tỷ đồng với sàn lãi suất cho vay chỉ từ 3,5%/năm đối với khách hàng vay vốn để thực hiện phương án, dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực xanh. Kết quả, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của ngân hàng này có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,7% năm 2024.
Theo các chuyên gia, tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển không thể trì hoãn việc hành động vì môi trường. Do đó, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là con đường tất yếu để hướng đến tương lai bền vững, bao trùm và thịnh vượng.
Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết này qua hàng loạt chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể. Từ Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, đến Kế hoạch hành động gồm 134 hoạt động chi tiết cho các bộ, ngành và địa phương. Trọng tâm xuyên suốt là thúc đẩy tín dụng xanh, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ khu vực tài chính. Ngành ngân hàng đã lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững trong chỉ đạo tín dụng, phát hành Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng xanh, yêu cầu tích hợp quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Sau gần 10 năm triển khai, đến quý I/2025 đã có 58 TCTD phát sinh dư nợ xanh với tổng giá trị hơn 704.244 tỷ đồng, tăng hơn 21,2%/năm giai đoạn 2017–2024, cao hơn cả tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế. Các khoản tín dụng xanh tập trung vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%). Đặc biệt, hệ thống ngân hàng cũng ngày càng quan tâm đến đánh giá rủi ro môi trường – xã hội. Đến nay, đã có 57 TCTD thực hiện đánh giá với tổng dư nợ lên tới 3,62 triệu tỷ đồng, số lượng khoản vay được thẩm định rủi ro môi trường – xã hội tăng gấp 15 lần so với năm 2017.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thẳng thắn nêu những khó khăn đối với phát triển tín dụng xanh. Đơn cử như khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, công cụ thẩm định còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính xanh quốc tế còn thấp. Đồng thời, năng lực đội ngũ ngân hàng trong lĩnh vực môi trường – xã hội – khí hậu còn là điểm yếu cần cải thiện mạnh mẽ.
Các chuyên gia khuyến nghị các bộ, ngành, các địa phương và các TCTD ở tất cả các lĩnh vực đều phải coi đây là một trong những cơ hội và yêu cầu bức thiết phải triển khai kinh tế xanh. Do đó, khi phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư theo thẩm quyền, doanh nghiệp khi xây dựng dự án đầu tư, dự án vay vốn tín dụng ngân hàng, bắt buộc và tự giác, chủ động có báo cáo đánh giá tác động môi trường một cách minh bạch đầy đủ, đảm bảo các yếu tố pháp lý. Đây là cơ sở quan trọng hàng đầu cho mở rộng dư nợ tín dụng xanh của các TCTD đối với doanh nghiệp.
Năng nượng tái tạo cũng là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của các nhà băng. Ảnh minh họa.
Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần sớm hoàn thiện môi trường pháp lý về tín dụng xanh, ban hành các văn bản cụ thể, chi tiết về lĩnh vực này. NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính và NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, trong đó có tín dụng xanh để tạo cơ chế thu hút các nguồn lực tài chính quốc tế phù hợp cho mục tiêu phát triển xanh.
Cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, rộng, chi tiết hơn các danh mục xanh đã được công bố để NHTM triển khai mạnh mẽ tín dụng xanh. Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về tín dụng xanh không chỉ ở góc độ cơ quan lý điều hành, mà cả ở các NHTM trong việc đánh giá các tiêu chuẩn quản lý rủi ro, môi trường xã hội. Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát hoạt động tín dụng của các TCTD, khuyến khích các hoạt động cho vay tín dụng xanh của các NHTM, đồng thời có những tổng kết, đánh giá chỉnh sửa bổ sung các văn bản pháp lý có liên quan theo thẩm quyền, hoặc trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan.
Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo NHNN và một số bộ chức năng có liên quan ban hành Danh mục tín dụng xanh nền kinh tế, làm căn cứ, cơ sở cho các NHTM tiến hành thẩm định chính xác, kịp thời các dự án xanh xin vay vốn tín dụng. Sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thị trường Carbon tại Việt Nam, trong đó nêu rõ trách nhiệm của NHNN, vai trò cùa các NHTM trong cho vay, huy động vốn thông qua thị trường trái phiếu xanh.
Các TCTD cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức về mở rộng tín dụng xanh đối với nền kinh tế, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế xanh trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Các TCTD cần xác định đây là lĩnh vực cấp bách cần phải triển khai có hiệu quả. Việc thực hiện có kết quả hay không, đòi hỏi các TCTD phải kết hợp với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kinh tế xanh cho đội ngũ cán bộ tín dụng tại các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, các TCTD nên thành lập những bộ phận đi trước đón đầu để thẩm định rủi ro. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại đối với việc phát triển tín dụng xanh, thẩm định tài chính và thẩm định tác động môi trường của dự án xanh./.
HẢI YẾN
Bình luận