Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 23/02/2025 18:02
Chủ nhật, 23/02/2025 05:02
TMO - Ngành nông nghiệp huyện Mường La (tỉnh Sơn La) đang tập trung chuyển đổi cây trồng, hướng tới mở rộng vùng chuyên canh trồng cây ăn quả, nhằm phát huy tiềm năng kinh tế vườn theo hướng hàng hóa, tạo nguồn nông sản có giá trị tiêu dùng và chất lượng cao.
Phát huy tiềm năng, lợi thế khí hậu, đất đai, những năm qua, huyện Mường La đã tuyên truyền, vận động nhân dân, HTX chuyển đổi cây trồng trên đất dốc sang trồng cây ăn quả, đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu, nâng cao đời sống nhân dân.
Cụ thể, trong 4 năm qua, huyện Mường La đã trồng mới gần 2.250 ha cây ăn quả, nâng tổng số diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 7.147 ha; sản lượng quả đạt 33.000 tấn; xây dựng 10 chuỗi quả an toàn; hơn 1.000 ha cây trồng được cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng, với khoảng 5.500 tấn cây ăn quả đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, VietGAP và an toàn thực phẩm.
Mường La có 25 mã số vùng trồng, với diện tích 633 ha, xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường EU, cung cấp sản phẩm cho các hệ thống siêu thị lớn và các cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước. Các địa phương trên địa bàn huyện Mường La rất chú trọng công tác mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đơn cử như tại xã Pi Toong, toàn xã đã chủ động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc.
Từ năm 2021 đến nay, nông dân xã Pi Toong đã cải tạo những vườn nhãn, xoài, vải năng suất thấp sang các giống cây trồng mới, như xoài GL4, vải thiều, nhãn, táo... Lãnh đạo UBND xã, chia sẻ: Đến nay, diện tích cây ăn quả của toàn xã đạt gần 350 ha, tăng hơn 60 ha so với năm 2021; một số hộ trồng cây ăn quả đã chủ động liên kết với các hợp tác xã xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm quả tươi. Còn tại xã Mường Bú, nông dân đang trồng trên 1.900 ha cây ăn quả các loại, sản lượng trên 13.600 tấn quả/năm.
Lãnh đạo UBND xã, cho biết: Toàn xã đang có 7 HTX trồng chăm sóc cây ăn quả các loại; đã xây dựng 3 chuỗi quả an toàn; có 400 ha cây ăn quả các loại được cấp chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn khác; xã được cấp 21 mã số vùng trồng xuất khẩu xoài, nhãn, chuối, táo đại, với hơn 550 ha. Năm 2024, xuất khẩu 800 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc.
Với định hướng phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, Đảng bộ huyện Mường La ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp xanh trên địa bàn. Chỉ đạo UBND huyện, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phát huy trồng cây ăn quả theo hướng thế mạnh của từng vùng, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Điểm nhấn, dự án “Bảo quản, chế biến và sản xuất các sản phẩm nông sản” tại bản Cứp, xã Mường Bú, được doanh nghiệp đầu tư, tổng vốn thực hiện 15 tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng cơ bản các hạng mục đầu tư, chuẩn bị lắp đặt dây chuyền sản xuất và đưa vào sản xuất trong quý I/2025.
Người dân huyện Mường La (tỉnh Sơn La) chăm sóc và thu hoạch cam. (Ảnh: QH).
Dự án có công suất thiết kế mỗi năm bảo quản từ 4.000 - 6.000 tấn nông sản, sản xuất 1 triệu m3 sợi chuối và sử dụng trung bình 5 tấn quả chuối mỗi ngày để sản xuất bột chuối... với tổng doanh thu dự kiến gần 560 tỷ đồng/năm. Đơn vị doanh nghiệp sẽ bao tiêu thu mua, chế biến khoảng 2.000 ha chuối tại địa phương; tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động. Lãnh đạo UBND huyện Mường La, thông tin, từ năm 2021 đến nay, huyện Mường La hỗ trợ giống cây trồng chất lượng cao, như xoài Đài Loan GL4, mận tam hoa, mít ruột đỏ, bưởi, cây lê... cho hơn 1.000 hộ dân, tổng kinh phí trên 4,5 tỷ đồng.
Hỗ trợ gần 460 triệu đồng thực hiện mô hình cải tạo vườn táo địa phương bằng giống táo đại ở xã Mường Bú; cải tạo, chăm sóc cây xoài theo hướng hữu cơ tại xã Tạ Bú, Chiềng Hoa...Việc chuyển đổi trồng cây ăn quả của huyện Mường La, không chỉ mở rộng diện tích, tăng sản lượng, còn thể hiện ở sự phát triển theo chiều sâu, tập trung vào chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nâng cao giá trị nông sản địa phương và thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, ở các xã vùng cao của huyện Mường La, như: Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn, Hua Trai, Nặm Păm đã trồng 2.500 ha sơn tra. Cây sơn tra ở Mường La không chỉ bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho bà con mà còn là sản phẩm phát triển du lịch, huyện đã được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm Ngày hội Hoa sơn tra, tôn vinh nét đẹp của hoa sơn tra.
Với sản lượng sơn tra của huyện hằng năm khoảng trên 8.000 tấn, huyện Mường La cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện đầu tư chế biến tạo ra các sản phẩm từ quả sơn tra như trà sơn tra, nước ép sơn tra và dịch sơn tra, quả sơn tra, hiện tại sản phẩm quả sơn tra được tiêu thụ ổn định.
Trong giai đoạn tiếp theo, để phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường La đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp xanh trên địa bàn. Chỉ đạo UBND huyện, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phát huy trồng cây ăn quả theo hướng thế mạnh của từng vùng, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Tập trung triển khai tốt chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị giữa các HTX với doanh nghiệp về tiêu thụ quả; vận động HTX, doanh nghiệp quan tâm thu mua, chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả. Từ đó phát triển, sản xuất cây ăn quả theo hướng bền vững.
Thanh Thuỷ
Bình luận