Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 20/07/2025 14:07
Chủ nhật, 20/07/2025 05:07
TMO - Quảng Ninh đang đẩy mạnh mở rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao năng suất, kiểm soát môi trường và giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái. Việc chuyển từ phương thức truyền thống sang nuôi tôm số hóa, tuần hoàn được kỳ vọng tạo đột phá cho ngành thủy sản địa phương theo hướng bền vững.
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã chú trọng phát triển ngành nuôi tôm theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện địa phương và xu thế chung của thị trường. Tỉnh đang từng bước mở rộng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao như nuôi tôm trong nhà kính, nuôi tuần hoàn khép kín, kiểm soát tự động các chỉ số môi trường nước.
Thay vì phụ thuộc vào thời tiết và kinh nghiệm thủ công, người nuôi giờ đây có thể giám sát ao tôm qua hệ thống cảm biến, dữ liệu số và phần mềm điều khiển từ xa. Những mô hình này giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao sản lượng. Một số địa phương như Đầm Hà, Hải Hà, Quảng Yên đang triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên quy mô lớn, hướng tới xây dựng vùng nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Đây là bước chuyển quan trọng đưa ngành thủy sản Quảng Ninh từ phát triển truyền thống sang hiện đại, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã xác định rõ định hướng: phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số toàn diện. Với hơn 250 km đường bờ biển, hệ sinh thái ven biển phong phú và khí hậu phù hợp, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nuôi tôm cả về quy mô lẫn chất lượng.
Tận dụng lợi thế tự nhiên cùng nền tảng chính sách đồng bộ, tỉnh đã chủ động cơ cấu lại ngành nuôi trồng thủy sản, xác định tôm thẻ chân trắng và tôm sú là hai đối tượng nuôi chủ lực cấp quốc gia, tập trung tại các huyện, thị xã ven biển có điều kiện lý tưởng cho nuôi tôm công nghệ cao.
Theo thống kê từ Chi cục Biển, Hải đảo và Thủy sản tỉnh, tính đến giữa năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 2.250 cơ sở nuôi tôm, phân bố chủ yếu tại các địa phương ven biển như Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Quảng Yên... Đáng chú ý, trong vài năm trở lại đây, các mô hình nuôi truyền thống quảng canh, bán thâm canh đã dần được thay thế bởi mô hình thâm canh, siêu thâm canh có áp dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên.
Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân Quảng Ninh. (Ảnh: BBL).
Nhiều hộ nuôi đã đạt năng suất 25–30 tấn/ha/vụ, con số gấp 3 lần mức bình quân của các mô hình truyền thống, đồng thời rút ngắn thời gian nuôi, giảm dịch bệnh và gia tăng thu nhập rõ rệt. Điều này mở ra hướng đi mới cho người dân và doanh nghiệp, khẳng định hiệu quả của việc gắn kết sản xuất với khoa học kỹ thuật.
Một trong những điểm sáng nổi bật là việc Quảng Ninh tiên phong ứng dụng các mô hình nuôi tuần hoàn khép kín (RAS), giúp kiểm soát toàn diện các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, nồng độ oxy hòa tan, amoniac… thông qua cảm biến và hệ thống kết nối Internet (IoT). Ngoài ra, các công nghệ mới như biofloc (vi sinh xử lý chất thải ao nuôi), cho ăn tự động bằng cảm biến, phần mềm AI cảnh báo môi trường nước cũng đang được nhân rộng.
Điều này không chỉ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi, mà còn đảm bảo an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Bên cạnh công nghệ nuôi, Quảng Ninh còn tạo bước tiến quan trọng trong việc chủ động sản xuất con giống chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đặc thù khí hậu miền Bắc. Để quản lý hiệu quả, truy xuất nguồn gốc và chuẩn hóa sản xuất, Quảng Ninh cũng đang đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong ngành nuôi trồng thủy sản. Tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh đã cấp 532 giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản, đồng thời gắn mã định danh điện tử cho từng cơ sở.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử giúp minh bạch thông tin, hỗ trợ quản lý dịch bệnh, thống kê sản lượng và là cơ sở vững chắc để phát triển thương hiệu “Tôm sạch Quảng Ninh” – hướng tới xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Cùng với đó, Quảng Ninh đang triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm hữu cơ theo chuỗi khép kín: từ con giống – thức ăn – quy trình nuôi – thu hoạch – tiêu thụ. Các doanh nghiệp lớn phối hợp với nông dân theo mô hình “doanh nghiệp cung ứng đầu vào – bao tiêu đầu ra”. Cách làm này vừa giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm đồng bộ, vừa tạo chuỗi giá trị có tính ổn định, giảm rủi ro cho người nuôi.
Theo Đề án phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2022–2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu có trên 50% sản lượng tôm được nuôi bằng công nghệ tuần hoàn hoặc bán tuần hoàn, tất cả các cơ sở phải được định danh, truy xuất nguồn gốc và đạt chuẩn xuất khẩu quốc tế.
Mở rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang tạo động lực mới cho ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển theo chiều sâu. Những thay đổi về tư duy, kỹ thuật và cách tiếp cận cho thấy địa phương không chỉ chú trọng hiệu quả kinh tế mà còn đặt mục tiêu bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên nước hợp lý và bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân ven biển.
Khi dữ liệu được số hóa và quản lý theo thời gian thực, người nuôi tôm có thể chủ động kiểm soát rủi ro, giảm chi phí và nâng cao năng suất theo hướng ổn định. Điều này cũng tạo cơ sở để các sản phẩm tôm Quảng Ninh nâng cao tính cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và bền vững của thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh ngành nuôi trồng thủy sản đang chịu nhiều áp lực từ biến đổi khí hậu và thị trường, lựa chọn của Quảng Ninh là bước đi đúng hướng, mang tính tiên phong trên cả nước.
Anh Thy
Bình luận