Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ bảy, 28/05/2022 07:05
TMO – Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mô hình đưa con tôm từ biển vào nuôi trên ruộng lúa (luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa) ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL xuất hiện cách hàng chục năm. Qua triển khai nhiều năm, mô hình tôm - lúa được đánh giá là mô hình phát triển bền vững đem lại thu nhập cao cho người nông dân, nhất là những hộ ở vùng biển biển ĐBSCL.
Từ năm 2000, khi Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP cho phép chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả (sản xuất lúa, sản xuất muối, vùng đầm lầy ven biển) sang nuôi tôm. Giai đoạn 2000 - 2005, tổng diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản là 310.814ha, trong đó từ đất trồng lúa là 297.187ha. Mô hình luân canh tôm - lúa phát triển rất nhanh, khởi đầu với phương thức quảng canh truyền thống và sau đó chuyển sang phương thức nuôi quảng canh cải tiến. Nếu như năm 2015, diện tích nuôi tôm - lúa vùng ĐBSCL đạt 176.000ha thì đến năm 2021 đã tăng lên 207.768ha, sản lượng tôm nuôi đạt 128.752 tấn.
Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kiên Giang là tỉnh có diện tích nông nghiệp lớn nhất vùng ĐBSCL, địa phương này đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn sang mô hình tôm - lúa từ rất sớm và cho hiệu quả kinh tế cao hơn 3 - 4 lần so với trồng lúa thâm canh. Năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 6,5 ha sản xuất tôm - lúa sạch, bền vững, đạt chuẩn hữu cơ; đến nay đã có 1.230 ha sản xuất đạt chuẩn và liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Giai đoạn 2010 - 2020, diện tích tôm - lúa của tỉnh Kiên Giang tăng bình quân 6,67%/năm, lợi nhuận đạt trung bình hơn 110 triệu/ha/năm. Trên cơ sở các mô hình sản xuất tôm - lúa hiệu quả, tỉnh tiếp tục phát triển mô hình tôm - lúa sạch với các giống lúa thơm như ST 24, ST5… chiếm hơn 80% diện tích canh tác tôm - lúa. Để mô hình tôm - lúa tiếp tục được phát triển hiệu quả và bền vững, vấn đề môi trường, xử lý môi trường phải đảm bảo cho môi trường sinh thái của cả vùng.
Việc chuyển đổi sản xuất tôm - lúa ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, mang lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế, môi trường và xã hội. Đây là mô hình thích ứng tốt với biển đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Diện tích chuyển đổi sang mô hình sản xuất tôm - lúa ở ĐBSCL tăng nhanh trong thời gian qua và giá trị sản xuất hiện đạt hơn 100 triệu đồng/ha, mang lại thu nhập tốt cho nông dân vùng ven biển.
Dù mô hình đan xen tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng vẫn còn nhiều bất cập khó khăn về tổ chức sản xuất, kỹ thuật. Do đó, để tiếp tục tìm giải pháp khẳng định giá trị của mô hình này, tạo điều kiện để mô hình phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng cần quan tâm đến 3 vấn đề chính. Thứ nhất, giống tôm, giống lúa thích ứng cao cho vùng tôm - lúa. Thứ hai là tổ chức lại sản xuất, không thể sản xuất theo từng hộ nhỏ lẻ mà tổ chức sản xuất theo mô hình Hợp tác xã. Ba là vấn đề môi trường nước cho tôm nuôi trong vùng tôm - lúa như thế nào để tránh dịch bệnh. Đây là vấn đề nan giải nhiều năm nay chưa có giải pháp hữu hiệu. Ngoài việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật thì cần phải tổ chức liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác xã. Các địa phương trong vùng cần liên kết tạo vùng nguyên liệu lớn liên tỉnh, gắn với cánh đồng lớn. Cùng nhau xây dựng thương hiệu lúa thơm - tôm sạch vùng ĐBSCL, chứ không làm riêng lẻ từng địa phương.
Phương Điền – Hằng Hương
Bình luận