Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ sáu, 18/02/2022 14:02
TMO – Trong số các sân bay quốc tế đang vận hành khai thác, Tân Sơn Nhất (TP. HCM) là sân bay quốc tế có quy mô lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, đến nay, TP. HCM chưa hình thành “đô thị sân bay” như các nước trên thế giới để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của khu vực cảng hàng không quốc tế quan trọng này.
Theo giới chuyên gia, cần phát triển quận Tân Bình (TP. HCM) gắn với “đô thị sân bay” Tân Sơn Nhất. Trong đó, phải phát triển đồng bộ hệ thống giao thông gắn kết với đầu mối sân bay và chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cụ thể là chuyển đổi đất quốc phòng sang đất dân dụng để mở rộng sân bay. Song song đó, cần bổ sung vào điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố và có chương trình hành động cụ thể.
Để hiện thực hóa mô hình “đô thị sân bay” Tân Sơn Nhất, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng nhà ga hành khách T3 nhằm mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất với quy mô 30 ha chứ không chỉ dừng lại ở quy mô 16 ha như đã duyệt. Bên cạnh đó, thành phố cần sớm triển khai xây dựng tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa nhằm kết nối nhà ga hành khách T3, cải thiện tình trạng giao thông khu vực chung quanh sân bay. Quỹ đất hai bên tuyến đường này sẽ rất lý tưởng để phát triển thương mại dịch vụ, logistics, hỗ trợ tốt nhất cho mô hình “đô thị sân bay”.
Các tuyến đường quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Về đầu tư phát triển mảng xanh, các chuyên gia cũng cho rằng, quận Tân Bình có thể phát triển các mô hình “công viên bỏ túi”. Đây là hình thái không gian mở được khuyến khích hình thành, nhằm xây dựng bổ sung diện tích mảng xanh công viên còn thiếu, góp phần xây dựng “đô thị sân bay” hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, việc phát triển không gian ngầm cũng là một yếu tố được các chuyên gia rất tâm đắc. Với quỹ đất hạn chế thì cần khai thác không gian ngầm, các nước trên thế giới khai thác không gian ngầm bằng việc xây dựng giao thông kết nối xuyên khu vực sân bay, hạ tầng dưới sân bay để phát triển thương mại - dịch vụ. Hành lang giao thông sân bay gắn với nhà hàng, cửa hàng mua sắm sẽ rất thuận lợi trong việc khai thác hành khách quốc tế có tiềm lực tài chính.
Theo Bí thư Quận ủy Tân Bình, để “đô thị sân bay” nhanh chóng hình thành, thời gian tới, quận sẽ rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình cụ thể để thực hiện thí điểm mô hình “đô thị sân bay” với mục tiêu trở thành đô thị sân bay bền vững. Đồng thời, đưa ra các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, di tích văn hóa kết hợp phát triển du lịch, phát triển thương mại - dịch vụ. Cụ thể, quận sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét, cập nhật, đề xuất bổ sung vào quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM, thời gian tới, Sở sẽ giúp Tân Bình và các quận chung quanh Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đánh giá lại điều kiện phát triển đô thị, chỉnh trang khu phố, khu vực gắn với động lực phát triển từ sân bay. Sở tiếp thu ý kiến chuyên gia về bổ sung một số chức năng đô thị cho khu vực lân cận sân bay như các quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận và Gò Vấp. Theo đó, xem xét điều chỉnh quy hoạch cũng như gia tăng chỉ tiêu cho các khu vực để cải thiện bộ mặt đô thị và tạo điều kiện cho địa phương phát triển dịch vụ, hoạt động logistics...
Trong quy hoạch sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tầm nhìn năm 2030 xác định, tăng công suất hệ thống nhà ga từ 25 triệu hành khách/năm lên 40-50 triệu hành khách/năm. Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ việc sử dụng khu đất quốc phòng phía tây sân bay (rộng 21 ha) để làm sân đậu máy bay, đường lăn từ nay đến 2025.
Lê Huýnh
Bình luận