Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 13:11
Thứ ba, 31/05/2022 08:05
TMO - Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, nhiều chuyên gia đề xuất, trong quá trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung cần lồng ghép các vấn đề về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến xây dựng xã hội văn minh, thông minh, xanh, phát triển bền vững… công tác xử lý chất thải rắn cần được quan tâm đặc biệt, triển khai theo hướng hiện đại, thông minh nhằm tiết giảm chất thải, tăng cường tái chế, tái sử dụng. Giới chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần rà soát, đánh giá toàn bộ kết quả thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 tại Quyết định số 609/QĐ-TTg.
Ngoài ra, cần nghiên cứu xu hướng xử lý chất thải rắn trên thế giới để lựa chọn công nghệ hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa xử lý chất thải rắn, vừa phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô. Quyết liệt triển khai việc phân loại chất thải rắn tại nguồn nên. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội nên ưu tiên đầu tư cho sản xuất phân compost (phân hữu cơ) từ chất thải thực phẩm và nghiên cứu phương án xây dựng hạ tầng đồng bộ cho công tác thu gom, xử lý chất thải rắn theo hướng hiện đại, văn minh, phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn.
Sau hàng chục năm chăm sóc, cây xanh bị cưa hạ, nhường nhỗ cho cải tạo, nâng cấp đường giao thông.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, việc phát triển và bảo tồn không gian xanh và mặt nước đã được chú trọng. Việc khai thác và duy trì hành lang xanh kết hợp với hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị đã được nhấn mạnh trong đồ án. Các nội dung này cũng đã được cụ thể hóa trong các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật như: Quy hoạch thoát nước, hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ,…
Chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Hà Nội cần cần tập trung ưu tiên vào việc tính toán, bố trí hợp lý đất công viên cây xanh, các mảng xanh đô thị và quy hoạch mặt nước. Đối với các khu vực đô thị cũ cần khuyến khích cải tạo công trình theo hướng giảm thiểu mật độ xây dựng, tăng các không gian xanh, không gian đệm.
Để đô thị có sức đề kháng trước thiên tai, cũng như các tác động của biến đổi khí hậu thì công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong phát triển đô thị bền vững trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. Nguyên tắc chung là phải nâng cao năng lực thích ứng bằng cách định hướng phát triển hài hòa, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu không chỉ là ứng phó với các tác động tiêu cực của thiên nhiên mà cần phải giảm phát thải khí nhà kính để tránh làm trầm trọng hóa mức độ tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế, cần đưa ngay vào trong Quy hoạch Thủ đô các giải pháp, kế hoạch, mục tiêu giảm phát thải của từng ngành nghề, lĩnh vực phát triển; chẳng hạn việc nghiên cứu và khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, hoạt động sản xuất phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường.
Quốc Dũng
Bình luận