Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 08:01
Thứ bảy, 24/08/2024 13:08
TMO - Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định có trách nhiệm huy động bộ máy giúp Chủ tịch Hội đồng tổ chức công việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình và các hoạt động chung của Hội đồng; phối hợp với các cơ quan để thực hiện các công việc thẩm định.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đồng thời phân công Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời cũng là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.
Về chức năng, nhiệm vụ, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình; yêu cầu Cơ quan được giao chuẩn bị Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến Chương trình để phục vụ công tác thẩm định; khi cần thiết, yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu thẩm định.
(Ảnh minh họa)
Hội đồng thẩm định nhà nước có nhiệm vụ xem xét, quyết định kế hoạch thẩm định và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình. Hội đồng thẩm định nhà nước làm việc theo chế độ tập thể dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền). Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là 50/50 trên số thành viên Hội đồng (bao gồm cả số có mặt tại phiên họp và số biểu quyết bằng văn bản gửi đến Hội đồng), vấn đề được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.
Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình trình Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định nhà nước.
Theo Quyết định của Chính phủ, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định có trách nhiệm huy động bộ máy giúp Chủ tịch Hội đồng tổ chức công việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình và các hoạt động chung của Hội đồng; phối hợp với các cơ quan để thực hiện các công việc thẩm định. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình, gửi hồ sơ Chương trình đến các thành viên Hội đồng, lập và trình kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình;
Tổng hợp các ý kiến của thành viên Hội đồng, đề xuất, trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định những vấn đề cần xử lý trong quá trình thẩm định; chuẩn bị các chương trình, nội dung, dự kiến các nội dung kết luận và biểu quyết, mời họp, tài liệu và phương tiện làm việc cho các phiên họp của Hội đồng.
Chuẩn bị các nội dung yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo yêu cầu của các thành viên trong Hội đồng, các Tổ, nhóm chuyên môn trong quá trình thẩm định, trình Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng) thông qua và ký văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ hồ sơ.
Trước đó, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025. Chương trình đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn;
Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Phạm vi của Chương trình: Trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối tượng của Chương trình bao gồm: Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn…/.
BÙI HOÀNG
Bình luận