Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/04/2025 04:04
Chủ nhật, 30/03/2025 10:03
TMO - Tỉnh Lào Cai hiện có 13 loại cây dược liệu được công nhận đạt chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới" (GACP-WHO).
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng và các địa phương, tổng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh hiện đạt 4.246 ha, trong đó cây dược liệu lâu năm là 3.215 ha, cây dược liệu trồng hằng năm là 1.031 ha. Sản lượng thu hoạch cây dược liệu từ đầu năm đến nay đạt 16.650 tấn tươi, bao gồm actiso, chè dây, giảo cổ lam, chùa dù, sa nhân, cây thuốc tắm người Dao...
Diện tích cây dược liệu trồng hằng năm tập trung tại các địa phương: Huyện Bát Xát 350 ha (xuyên khung, vân mộc hương, độc hoạt, đương quy, đan sâm, sâm bố chính, cỏ ngọt, gừng tía, sâm đất...); thị xã Sa Pa 270 ha (actiso, đương quy, tía tô, chùa dù, cây thuốc tắm...); huyện Bắc Hà 240 ha (actiso, cát cánh, đương quy, gừng, nghệ...); huyện Si Ma Cai 165 ha (cát cánh, đương quy, gừng, bạch truật...); huyện Mường Khương 6 ha (gừng tía).
Tỉnh Lào Cai là 1 trong 2 tỉnh có số lượng cây thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới" (GACP-WHO) nhiều nhất cả nước, với 13 loại cây dược liệu được công nhận đạt chuẩn. Trong đó có 50 ha atiso tại thị xã Sa Pa; 20.100 ha chè dây tại thị xã Sa Pa và Bát Xát; 19,7 ha cây cát cánh tại huyện Bắc Hà; 30 ha ngải cứu rừng tại thị xã Sa Pa…
Việc áp dụng và đạt được chứng nhận GACP-WHO mang đến nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội. Có thể kể đến một số lợi ích cơ bản như: Chủ động được nguồn dược liệu; tránh các vấn đề về luật pháp; hạn chế tối đa các rủi ro có thể phát sinh; kiểm soát được chất lượng dược liệu; bảo tồn nguồn dược liệu quý của Việt Nam; góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội; tiếp cận được nhiều thị trường tiềm năng và dễ dàng xác định và truy xuất nguồn gốc dược liệu.
Tỉnh Lào Cai khuyến khích các cá nhân, tổ chức phát triển vùng trồng dược liệu và sản xuất thuốc cổ truyền theo hướng kết hợp với du lịch, đảm bảo vừa cung cấp dược liệu, sản phẩm thuốc cổ truyền cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, vừa phục vụ khách du lịch tham quan, mua sắm các sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền đạt chất lượng cao.
Tỉnh Lào Cai phát triển các vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO.
Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp địa phương.
Lào Cai chú trọng khai thác và phát triển, gắn các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch; quan tâm phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, trà túi lọc, cao đặc, cao lỏng, cao khô, …phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Đến hết năm 2024, Lào Cai đã có 163 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm là thảo dược như: Cao mềm Actiso Sa Pa; Viên nang đông trùng hạ thảo; Trà phun sương Actiso Sa Pa; Cao phun sương Actiso Sa Pa; Trà túi lọc dây leo Sa Pa; Trà túi lọc giảo cổ lam Sa Pa; Trà túi lọc Linh chi; Trà tam thất Simacai;…Các sản phẩm này đã và đang hấp dẫn du khách, làm món quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng của Lào Cai.
Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 5.000 ha. Phát triển tối thiểu 02 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu. Xây dựng thương hiệu 02 - 03 sản phẩm dược liệu và có thêm 03 - 05 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.
Tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng ổn định vùng nguyên liệu bằng việc bảo tồn các loài cây dược liệu quý tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, Văn Bàn; bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm như tam thất hoang, thất diệp nhất chi mai, hoàng liên ô rô, các loại cây thuốc tắm người Dao; ổn định diện tích với các chủng loại cây dược liệu phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ như chè dây, giảo cổ lam, tam thất, thất diệp nhất chi mai, hà thủ ô, đỗ trọng, hoàng bá, bình vôi để sản xuất cây dược liệu hàng hóa.
Tập trung mở rộng diện tích với một số chủng loại chính như atiso, cát cánh, xuyên khung, chùa dù, cây thuốc tắm người Dao đỏ, mạch môn, vân mộc hương, bạch truật, đan sâm, đẳng sâm. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng diện tích cây dược liệu hàng năm để hình thành vùng nguyên liệu cây dược liệu theo chuỗi giá trị tại Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát....Ưu tiên chính sách hỗ trợ vùng trồng cây dược liệu, ngành, nghề truyền thống, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu có lợi thế gắn với thực hiện chương trình OCOP của tỉnh.
Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp có đủ năng lực liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu bền vững tại các vùng nguyên liệu. Thu hút đầu tư xây dựng 6 cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, trong đó 5 cơ sở quy mô nhỏ thực hiện sơ chế dược liệu, đảm bảo 100% sản lượng tươi được sơ chế, bảo quản; 1 cơ sở, nhà máy quy mô doanh nghiệp chế biến sâu dược liệu trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như trà túi lọc, cao bánh, viên nén...
Địa phương này phấn đấu đến năm 2030 có 100% diện tích cây dược liệu dùng làm thuốc đảm bảo tiêu chuẩn GACP-WHO. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với vùng dược liệu được cấp chứng nhận GACP-WHO. Đẩy mạnh phát triển mô hình dược liệu làm thuốc, dược liệu gắn với du lịch, thảo dược gắn với ẩm thực địa phương...
Từng bước đề xuất cơ chế ưu tiên tiêu thụ dược liệu sản xuất trong nước, tại các tỉnh được sử dụng cho cơ sở khám chữa bệnh Đông y của ngành y tế; một số sản phẩm dược liệu quý, cao cấp từng bước đa dạng mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng tiếp cận các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu./.
Thu Hương
Bình luận