Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/04/2025 06:04
Thứ ba, 22/04/2025 12:04
TMO - Các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng, trong đó chú trọng việc mở đường băng trắng cản lửa, hạn chế nguy cơ cháy rừng lan rộng.
Đường băng trắng cản lửa được mở tại khu vực trọng điểm, như: rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ giáp ranh khu dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp; vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao và thường xảy ra cháy rừng; hoặc nơi có độ dốc lớn, thảm thực bì dày. Mỗi tuyến đường băng có chiều rộng từ 15m - 30m, tùy vào địa hình thực tế, đảm bảo đủ khả năng cách ly và cô lập lửa. Các tuyến đường này giúp tạo ranh giới an toàn, ngăn chặn lửa lan rộng nếu xảy ra cháy, đồng thời hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác chữa cháy rừng.
Đường băng trắng cản lửa được làm tại các địa phương gồm: huyện Văn Bàn làm đường băng dài 16,7 km, tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Nậm Tha với xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái); thị xã Sa Pa làm đường băng dài 24,7 km, tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Mường Hoa với xã Tả Phời (thành phố Lào Cai); thành phố Lào Cai làm đường băng dài 7,2 km, tại khu vực giáp ranh giữa xã Tả Phời với xã Mường Hoa, Thanh Bình (thị xã Sa Pa).
Lực lượng kiểm lâm cùng người dân địa phương mở đường băng cản lửa, ngăn nguy cơ cháy rừng lan rộng.
Việc thi công được thực hiện bằng hình thức kết hợp giữa máy móc và lao động thủ công, với sự tham gia tích cực của lực lượng kiểm lâm, các tổ bảo vệ rừng thôn bản cùng người dân địa phương. Ngoài công tác phát dọn thực bì, ở nhiều nơi còn áp dụng biện pháp đốt trước có kiểm soát để tạo hành lang an toàn. Việc mở đường băng cản lửa không chỉ có hiệu quả tức thời trong mùa khô hanh, mà còn mang lại lợi ích lâu dài trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Các tuyến đường giúp chia nhỏ khu vực rừng, thuận tiện cho công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng và phát hiện sớm nguy cơ cháy.
Theo UBND tỉnh Lào Cao, thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt; ý thức trách nhiệm của các chủ rừng và người dân tiếp tục được nâng lên. Các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được triển khai đồng bộ, chủ động, hiệu quả; một số vụ cháy rừng đã được phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại một số địa phương vẫn có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó sau cơn bão số 3 (Yagi) những diện tích rừng, cây gẫy, đổ, bị thiệt hại là nguồn vật liệu có thể gây cháy bất cứ lúc nào. Đồng thời, trước dự báo về tình hình nắng nóng thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, nâng cao nhận thức của Nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng bằng các kế hoạch, hội thảo, cuộc họp, tập huấn cụ thể; phát huy tinh thần đoàn kết, tố giác, lên án những tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm, phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.
Tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá diện tích rừng tự nhiên bị phá chuyển sang trồng rừng kinh tế trên địa bàn quản lý, nhất là tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty lâm nghiệp, diện tích do UBND cấp xã quản lý và diện tích rừng tự nhiên đã giao cho hộ gia đình, cá nhân. Ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất; xử lý, kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm; giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng.
Các sở, ngành, địa phương tăng cường triển khai phương án ứng phó với nguy cơ cháy rừng trên địa bàn.
Kiên quyết xử lý, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu UBND cấp xã, chủ rừng, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm
Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, theo dõi hiện trạng, diễn biến rừng; xây dựng, cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; tổ chức thực hiện điều tra, xác định hiện trạng diện tích, trữ lượng rừng, trữ lượng carbon rừng để quản lý rừng bền vững, phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức tuần tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; tăng cường lực lượng về cơ sở, đặc biệt là những điểm nóng thường xuyên xảy ra cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, tiếp tục kiểm tra các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện công tác điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng theo quy định. Triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của Trung ương, địa phương để nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy chức năng của từng loại rừng và giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, các lực lượng cấp cơ sở phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Quân đội và chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp theo Nghị định 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép; các đường dây khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản; mua bán đất rừng trái phép theo đúng quy định của pháp luật.
Các đơn vị chủ rừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc, giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong diện tích được giao, quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng ngay từ khi mới phát sinh. Thực hiện đúng quy định của Nhà nước về giao khoán bảo vệ rừng, chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất rừng đối với diện tích được giao, được thuê.../.
Trần Tuấn
Bình luận