Hotline: 0941068156

Chủ nhật, 05/05/2024 15:05

Tin nóng

Quần thể 53 cây cổ thụ tại Bình Dương được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ ở Sơn La được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Cây nghiến Di sản - Tài sản vô giá của núi rừng Lâm Bình

Tam Kỳ (Quảng Nam): Đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với quần thể 9 cây sưa cổ thụ

Cần cơ chế bảo tồn, phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam

Phát hiện 6.978 vụ vi phạm về môi trường trong 3 tháng đầu năm 2024

Hải Dương: Cây muồng ràng ràng 300 năm tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thanh Oai (Hà Nội): 5 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giờ Trái đất 2024: Cả nước tiết kiệm được 428.000 kWh

Quần thể 9 cây sưa cổ thụ ở Tam Kỳ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Hải Phòng: Bồ đề và bàng cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

6 cổ thụ ở Tam Nông được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam: Lan tỏa thông điệp bảo vệ cảnh quan, môi trường ứng phó biến đổi khí hậu

Phát động cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam

Khẩn trương ứng phó cao điểm xâm nhập mặn

Cẩm Phả (Quảng Ninh): Nhiều cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Duối cổ thụ hơn 700 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Cây Di sản - Báu vật nghìn năm tuổi giữa núi rừng Na Hang

Hàng trăm cây cổ thụ ở Lạng Sơn được công nhận quần thể Cây Di sản Việt Nam

Tuyên Quang: 2 nghiến cổ thụ hơn 1.000 năm được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Chủ nhật, 05/05/2024

Lào Cai chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Thứ năm, 04/04/2024 14:04

TMO - Thời gian tới, tỉnh Lào Cai triển khai các nhiệm vụ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đến việc quy hoạch, thành lập các khu bảo tồn, vườn thực vật...

Tỉnh Lào Cai có tổng diện tích tự nhiên 6.364,25 km2, trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng khoảng 356 ngàn ha, chiếm 56% tổng diện tích. Rừng Lào Cai có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, điều hòa nguồn nước, không chỉ đối với tỉnh Lào Cai mà đối với cả vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng. Hoàng Liên Sơn là dãy núi được đánh giá là trung tâm lớn nhất của cả nước về đa dạng sinh học với nhiều hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc trưng của vùng núi cao, ôn đới cùng nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu.

Các hệ sinh thái tự nhiên phổ biến ở Lào Cai gồm: Hệ sinh thái rừng thường xanh trên núi cao và lạnh (độ cao trên 2.600m). Kiểu rừng này có diện tích chiếm 2,4% tổng diện tích tự nhiên, thường phân bố trên 2.600 m, tập trung quanh đỉnh Fansipan và chóp một số đỉnh cao như đỉnh 2.875m, 2.751m, 2.825m, 2.807m, 2.816m. Hệ sinh thái rừng kín lá rộng, lá kim ôn đới núi vừa (độ cao từ 1.700 – 2.600m). Kiểu rừng này có diện tích chiếm trên 54% tổng diện tích tự nhiên, phân bố từ độ cao từ 1.700m - 2.600m.

Hệ sinh thái rừng kín thường xanh, ẩm ôn đới núi thấp. Kiểu rừng này được phân bố từ độ cao từ 700m đến 1.700m. Địa hình nơi phân bố thường là các đỉnh núi cao trung bình. Do khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ bình quân chỉ 150 - 200 , nhiều mây, độ ẩm cao nên kiểu thảm này có nhiều thực vật có nguồn gốc là cây bản địa phía Bắc Việt Nam và phía Nam Trung Quốc. Kiểu rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim á nhiệt đới núi thấp: Kiểu rừng này thường phân bố ở sườn đỉnh các dông núi có độ cao từ 700m – 1.700m Hệ sinh thái rừng tre nứa: Nối tiếp với kiểu trên, càng tới địa hình bằng phẳng và ẩm thấp hơn, độ cao khoảng 400-800m thì giang, vầu, nứa càng trở nên ưu thế và nhiều nơi thành thuần loài.

Tỉnh Lào Cai nhiều hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc trưng của vùng núi cao, ôn đới cùng nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu. 

Hệ thực vật các khu rừng đặc dụng khá phong phú và đa dạng, phân bố trên nhiều sinh cảnh khác nhau như trảng cỏ, cây bụi, các loài cây gỗ trên núi đất và núi đá. Qua các kết quả điều tra, nghiên cứu và tổng hợp thống kê được hệ thực vật các khu rừng đặc dụng Lào Cai có 6 ngành, 2 lớp, 231 họ, 1.254 chi và 3.864 loài thực vật bậc cao có mạch. Ngành Mộc lan đa dạng nhất có 193 họ với 3.326 loài.

Khu hệ động vật rừng đặc dụng cũng rất phong phú về thành phần loài, với 955 loài động vật, thuộc 106 họ, 29 bộ và 5 lớp. Trong đó: 155 loài quý, hiếm chiếm 16,23%; 20 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ Thế Giới chiếm 2,3%; 19 loài thuộc phụ lục của CITES; 22 loài đặc hữu điển hình cho vùng núi cao Hoàng Liên Sơn. Đặc biệt, Lào Cai là nơi cư trú của những loài thú đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng như Voọc đen tuyền; Cá cóc Tam đảo, Gấu ngựa... đây cũng được coi là các loài chỉ thị vùng Tây Bắc vì vậy cần được ưu tiên bảo tồn đặc biệt.

Trên địa bàn tỉnh có 1 Vườn quốc gia và 2 khu bảo tồn thiên nhiên là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen nhiều loài động vật, thực vật quý, hiếm. Những năm qua, việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Lào Cai được gắn với công tác bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường. Lào Cai xác định bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với việc phát triển sinh kế cho người dân, đảm bảo người dân được hưởng lợi, chia sẻ lợi ích từ việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong những năm qua, Lào Cai đã ban hành các chỉ thị, văn bản, kế hoạch chỉ đạo về lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, bảo tồn nguồn gen... và từng bước đưa công tác quản lý vào nền nếp. Lào Cai là địa phương được sự quan tâm đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, công tác quản lý, quy hoạch khoanh vùng, kiểm tra, giám sát được tăng cường; nhận thức của người dân, nhất là dân cư vùng lõi, vùng đệm các khu bảo tồn, vườn quốc gia và khách du lịch được nâng lên. 

Quy hoạch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu trong phương án bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương này: Tăng cường công tác quản lý đa dạng sinh học, nhằm bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường. Bảo vệ diện tích rừng đặc dụng hiện có tại các khu bảo tồn: VQG Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (hiện nay), Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn.

Thành lập Vườn quốc gia trên cơ sở nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Mở rộng Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn. Thành lập các khu bảo vệ cảnh quan Cốc Ly, Bắc Hà, Nậm Chảy, Núi Hàm Rồng - Sa Pa; thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị các khu bảo vệ cảnh quan. Thành lập Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, giai đoạn đến năm 2030 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (VQG Bát Xát). Thành lập các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học khác. Quy hoạch bảo vệ khu rừng phòng hộ trên 09 huyện, thành phố, thị xã với tổng diện tích khoảng 144.820,9 ha. 

Trong đó, Vườn quốc gia Hoàng Liên tổng diện tích tự nhiên 28.509 ha, trong đó: phần diện tích tự nhiên VQG Hoàng Liên trên địa giới hành chính tỉnh Lào Cai là 21.009 ha thuộc 03 xã: Hoàng Liên, Tả Van, Bản Hồ của thị xã Sa Pa. Nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học được tỉnh Lào Cai xác định: Bảo vệ toàn bộ diện tích khu rừng đặc dụng hiện có; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, phục hồi diện tích đất chưa có rừng. Bảo tồn các hệ sinh thái hiện có, tạo và mở rộng môi trường sống cho các loài động, thực vật, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm, đặc hữu. Bảo tồn cảnh quan rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phòng hộ đầu nguồn, hạn chế thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại VQG này, tổ chức và phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái; nâng cao chất lượng nghiên cứu, giáo dục bảo tồn và môi trường, đồng thời, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, xây dựng cơ sở phục vụ quản lý bảo vệ rừng và thực hiện phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn các hệ sinh thái trong diện tích VQG Hoàng Liên nhằm phát triển, nâng cao chất lượng rừng, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngăn chặn các hoạt động xâm phạm trái phép vào VQG Hoàng Liên và vùng đệm; nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng bảo vệ rừng, tăng cường các hoạt động bảo vệ và quản lý rừng có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Xây dựng VQG Hoàng Liên trở thành khu du lịch sinh thái đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan, du lịch; tạo nguồn thu ổn định để tiếp tục tái đầu tư bảo tồn và phục hồi rừng; nâng cao thu nhập của người dân từ du lịch và dịch vụ môi trường; kêu gọi đầu tư, liên doanh và cho thuê môi trường rừng để bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng.

Địa phương này chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng qua đó bảo vệ hệ sinh thái. 

Với Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, có tổng 25.093,55 ha diện tích tự nhiên, nằm trên địa bàn ba xã Nậm Xé, Nậm Xây và Liêm Phú, huyện Văn Bàn. Tại đây, chú trọng bảo tồn bền vững và phát huy các giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, nguồn gen động, thực vật rừng đặc hữu quý hiếm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ và giáo dục môi trường gắn với bảo tồn và phát triển bền vững. Thúc đẩy chương trình bảo tồn rừng gắn với văn hóa cộng đồng địa phương.

Tỉnh Lào Cai sẽ thực hiện quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn các hệ sinh thái trong diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn, nhằm phát triển, nâng cao chất lượng rừng, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học. Ngăn chặn các hoạt động xâm phạm trái phép vào Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn và vùng đệm; nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng bảo vệ rừng, tăng cường các hoạt động bảo vệ và quản lý rừng có sự tham gia của cộng đồng dân cư; không để tình trạng phá rừng xảy ra, không làm phá vỡ hệ sinh thái rừng trong diện tích quản lý. Xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng: Hình thành các trạm nghỉ nằm dọc tuyến đường du lịch sinh thái tại khu vực có không gian yên tĩnh, không khí trong lành, thiên nhiên hoang sơ, vị trí gần các khe suối, thác nước... 

Triển khai Kế hoạch Hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Lào Cai điều tra, kiểm kê, quan trắc, thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững góp phần phát triển kinh tế xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025 tỉnh Lào Cai phấn đấu hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn tỉnh; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng; 33% các khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn được đánh giá hiệu quả quản lý theo tiêu chí đánh giá được ban hành.

Giai đoạn 2025-2030 sẽ mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; trên 60% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá đạt hiệu quả quản lý. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 60%; 100% Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên thực hiện chương trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học theo bộ chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc.

Đặc biệt, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này phấn đấu thực hiện hiệu quả các kế hoạch bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học về giống, loài, nguồn gen, sinh vật và hệ sinh thái của tỉnh; có biện pháp phòng dịch, chế độ chăm sóc, chữa bệnh các loài tại cơ sở, địa phương; Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân, góp phần đảm bảo an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...

 

 

Minh Thu 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline