Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/04/2025 23:04
Thứ bảy, 29/03/2025 10:03
TMO - Tỉnh Lạng Sơn đang triển khai các biện pháp ứng phó khi cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).
Theo Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn, 3 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ cháy. Trong đó có 2 vụ cháy rừng gây thiệt hại 1,807 ha rừng trồng và 16 vụ cháy (trảng cỏ, cây bụi...) với diện tích khoảng 38,81 ha thuộc địa bàn các huyện: Văn Lãng, Văn Quan, Hữu Lũng, Lộc Bình, Cao Lộc và TP.Lạng Sơn.
Các vụ cháy đã được các lực lượng chức năng, địa phương chỉ đạo, tổ chức chữa cháy kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay đang là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động sản xuất của người dân như xử lý thực bì để trồng rừng, xử lý thực bì vườn trồng na tại các khu vực núi đá, đốt vệ sinh bờ ruộng, đốt vàng mã trong dịp tết thanh minh,… nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Nguy cơ xảy ra cháy ở khu vực này vẫn khá cao do người dân địa phương để một số ngôi mộ rải rác trong khu vực đồi trồng cây. Trong điều kiện thời tiết hanh khô, thảm thực bì tại khu vực đồi cây khá dày. Cây cỏ, thực bì dưới gốc cây trồng đã khô lâu ngày, rất dễ bắt lửa, nếu người dân không dọn sạch khu vực xung quanh các ngôi mộ, cách xa vườn cây cũng như đảm bảo các quy định về an toàn phòng cháy trước khi thắp hương...
Nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh nguy cơ cháy cấp nguy hiểm.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn cho biết, diện tích đất có rừng của tỉnh là hơn 580.280 ha; trong đó, rừng tự nhiên trên 257.875 ha; rừng trồng hơn 322.404 ha. Diện tích đã trồng cây rừng song chưa thành rừng trên 47.294 ha. Tổng diện tích đất có rừng đủ tiêu chí tính độ che phủ rừng, bao gồm cả rừng ngoài quy hoạch hơn 532.985 ha, tỷ lệ che phủ rừng trên 64% (số liệu tính tại thời điểm 31/12/2024).
Lạng Sơn là một trong những tỉnh có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước; trong đó, trên 235.000 ha diện tích rừng trồng các loại cây dễ cháy như: Cây thông, keo, bạch đàn. Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, phức tạp do tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, nhiệt độ không khí tăng lên, kèm theo đó là sự gia tăng mức độ hạn hán, khô hạn cục bộ ở một số nơi, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Đáng chú ý, từ khoảng tháng 9/2024 đến nay, trên địa bàn Lạng Sơn gần như không có mưa lớn kéo dài, dẫn đến tình trạng khô hanh càng trở nên gay gắt. Nhiều diện tích rừng tại địa phương này đang ở mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm. Ngoài ra, thời điểm đầu năm mới, người dân thường tiến hành dọn dẹp, đốt thực bì để trồng rừng mới bổ sung cũng gia tăng nguy cơ cháy rừng...
Các địa phương chủ động phương án ứng phó với nguy cơ cháy rừng trên địa bàn.
Để phòng cháy rừng, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại, Chi cục đã chủ động các phương án, trong đó yêu cầu Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền lưu động bằng loa phóng thanh để khuyến cáo người dân, các chủ rừng không xử lý thực bì bằng lửa và các hoạt động sử dụng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong những thời điểm thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài.
Kiểm lâm phụ trách địa bàn phải tham mưu chính quyền địa phương thường xuyên phát tin cảnh báo và tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên hệ thống truyền thanh tại các thôn, bản; thường xuyên theo dõi thông tin cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ website: Kiemlamvung1.org.vn; kịp thời thông tin dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng khi cấp dự báo cháy rừng đến cấp IV, cấp V để các địa phương, chủ rừng và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng yêu cầu các Hạt Kiểm lâm, tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ khi mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; thường xuyên kiểm tra các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng khi được huy động. Các Hạt Kiểm lâm đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng chủ động rà soát phương án phòng cháy chữa cháy rừng, xử lý thực bì làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ cao; thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm tra tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gây cháy rừng..
Với cấp dự báo cháy rừng ở mức rất cao như hiện nay, UBND tỉnh cũng vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm trách nhiệm về phòng cháy chữa cháy rừng, trong đó phương châm lấy phòng ngừa là chính, chữa cháy phải được thực hiện từ sớm, từ cơ sở. Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là các hoạt động đốt nương làm rẫy, dùng lửa để xử lý thực bì, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lửa có nguy cơ gây cháy rừng cao, đặc biệt trong những thời điểm thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài.
Rà soát cập nhật và hoàn thiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được phát hiện; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí bảo đảm phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.../.
Thanh Nga
Bình luận