Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Thứ ba, 05/04/2022 19:04
TMO – Các loại vỏ trái cây như sầu riêng có thể chế biến làm than hoạt tính, vỏ thanh long có thể tạo ra màu thực phẩm….Ngoài ra, các phụ phẩm từ cá có thể chế biến thành nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi và cao cấp hơn một số doanh nghiệp còn đầu tư công nghệ nhằm tách chiết xuất collagen và gelatin từ da cá…. Phụ phẩm trong nông lâm thủy sản được ví là “vàng” nhưng theo các chuyên gia, chúng ta đang rất lãng phí.
Theo thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông lâm thủy sản năm 2020 của nước ta là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%), 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).
Trong đó, đối với ngành trồng trọt, phụ phẩm sau thu hoạch có khối lượng lớn từ các cây trồng chính, bao gồm: Rơm lúa (42,8 triệu tấn), thân cây ngô (10,0 triệu tấn), rau và quả (3,6 triệu tấn), thân cây sắn (3,1 triệu tấn), quả giả đào lộn hột (3,1 triệu tấn) và các loại khác (6,1 triệu tấn). Phụ phẩm từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt có khối lượng lớn, bao gồm: Vỏ trấu 8,6 triệu tấn, bã mía 3,5 triệu tấn, lõi ngô 1,4 triệu tấn, vỏ củ sắn 1,3 triệu tấn và các loại khác là 2 triệu tấn.
Vỏ quả sầu riêng có thể chế biến thành than hoạt tính.
Mặc dù vậy, tỷ lệ phụ phẩm cây trồng (vỏ lạc, thân bắp, rơm lúa, thân cây mì, vỏ đậu tương, củi…) được thu gom, sử dụng chỉ chiếm 52,2%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng rơm lúa chỉ có 56,3% cho các mục đích làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây…
Trong khi đó, thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển. Trong vụ Đông Xuân năm 2021 ở tỉnh Đồng Tháp, giá bán rơm khoảng từ 55.000 - 75.000 đồng trên 1.000m2 ruộng, tương đương 400 đồng/kg, giá rơm cạnh đường giao thông liên xã là 15.000 đồng/bó, tương đương 1.250 đồng/kg. Nếu vận chuyển xa thì giá bán rơm tại cơ sở sử dụng cho nuôi gia súc, làm nấm, làm vườn… là khoảng 25.000 đồng/bó, tương đương 2.083 đồng/kg. Do đó, người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha rơm lúa nếu đem bán cho người thu mua.
Theo các chuyên gia, với ngành thủy sản, hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD năm (2020), nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỷ USD. Đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm thủy sản làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… có tiềm năng lớn, đặt nền móng cho kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản”.
Trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến các nông sản đó, tỷ lệ phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn. Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, nguồn phụ phẩm này phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải, mà phải được xem là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay trong quá trình sản xuất và thu hái, chế biến trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ… lượng hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng… rất nhiều, nhưng nhiều nơi đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường. Trong khi chúng ta có thể tái sử dụng để làm “phân bón hữu cơ” cho cây trồng ngay tại chính những vườn xoài, thanh long, dưa hấu…Ngoài ra, vỏ thanh long có thể tạo ra màu thực phẩm…., vỏ sầu riêng có thể làm than hoạt tính, đây sẽ là một nguồn sinh khối để sản xuất chất hấp phụ nhằm xử lý nước thải và các ứng dụng khác.
Việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp) không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu. Hạt nhãn, hạt vải thiều… có rất nhiều công dụng mà chúng ta chưa khai thác hết, không chỉ làm phân bón mà có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc, thậm chí làm thực phẩm chức năng… nhưng hiện nay chúng ta đang để lãng phí những thứ rất quý.
Để không lãng phí rất nhiều nguồn phụ phẩm nông lâm thủy sản, các chuyên gia kiến nghị cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi để nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông để giúp nông dân và doanh nghiệp vào cuộc, biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, cần phải hướng dẫn để họ biết phụ phẩm mà mình đang có là gì, có thể thực hiện quy trình nào để chế biến, có thể sử dụng vào mục đích gì.
Lê Huýnh
Bình luận