Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/07/2025 01:07
Thứ bảy, 31/05/2025 19:05
TMO - Trong số 740.000 doanh nghiệp tư nhân, không ít doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng ‘xanh’. Do đó, các ngân hàng cần phát triển các sản phẩm tín dụng không chỉ dựa trên tài sản đảm bảo hay kết quả kinh doanh trước đây, mà có thể dựa vào tài sản hình thành trong tương lai.
Kinh tế tư nhân đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp hơn 50% GDP và tạo việc làm cho hơn 80% lực lượng lao động. Trong tiến trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh và dựa trên công nghệ, khu vực này rất cần được trao cơ chế đủ mạnh để phát huy vai trò dẫn dắt.
Theo các chuyên gia, một trong những đòn bẩy quan trọng là tín dụng xanh – công cụ tài chính mang tính chiến lược. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đang mở ra nhiều cơ hội mang tính bước ngoặt, trong đó tín dụng xanh là một trụ cột quan trọng.
Theo đó, Nghị quyết về kinh tế tư nhân tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn hiện nay, để thay đổi mô hình tăng trưởng quốc gia cũng như mô hình tăng trưởng nội tại của chính doanh nghiệp. Trước đây, chúng ta chủ yếu dựa vào thâm dụng lao động và tài nguyên, nhưng nay có cơ hội chuyển đổi sang mô hình phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong nghị quyết về kinh tế tư nhân, có những chương, mục nhấn mạnh việc hỗ trợ tín dụng xanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tín dụng xanh - một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững. Ảnh minh họa.
Chúng ta hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn cử, như hộ kinh doanh, trong việc chuyển đổi số. Đối với chương trình dành cho 1.000 doanh nghiệp tiên phong, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn, đồng thời tham gia giải quyết các bài toán lớn của quốc gia. Rõ ràng, kinh tế tư nhân đang có nhiều cơ hội trong bối cảnh hiện tại. Dòng tín dụng xanh là một động lực, một chất xúc tác để kinh tế tư nhân phát huy tốt hơn, góp phần giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Tuy nhiên, dù chính sách đã mở đường, việc hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều trở ngại. Tín dụng xanh, dù được kỳ vọng là đòn bẩy quan trọng, hiện chưa phát huy hết vai trò do nhiều lực cản trong thực tiễn triển khai. Khoảng cách giữa định hướng vĩ mô và năng lực hấp thụ của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tài chính xanh, vẫn còn khá lớn.
Các chuyên gia cho rằng, có ba điểm nghẽn cơ bản đang cản trở dòng vốn xanh đến đúng nơi cần đến. Thứ nhất, Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống phân loại xanh. Thứ hai, các cơ chế ưu đãi tài chính còn rất hạn chế. Thứ ba, về phía doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trong số 740.000 doanh nghiệp tư nhân, không ít doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Do đó, các ngân hàng cần phát triển các sản phẩm tín dụng không chỉ dựa trên tài sản đảm bảo hay kết quả kinh doanh trước đây, mà có thể dựa vào tài sản hình thành trong tương lai hoặc giá trị từ công nghệ và hiệu quả của các dự án do doanh nghiệp thực hiện.
Chúng ta không thể kỳ vọng khu vực tư nhân dẫn dắt chuyển đổi xanh nếu hệ thống tài chính chưa sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận. Điều quan trọng không chỉ là tăng quy mô tín dụng, mà là tái thiết lại toàn bộ hệ sinh thái tài chính theo hướng linh hoạt, bao trùm và khuyến khích đổi mới bền vững. Một khi tín dụng xanh không còn là ngoại lệ mà trở thành thông lệ, khi các rào cản thể chế và tiêu chuẩn đánh giá được tháo gỡ đồng bộ, khu vực kinh tế tư nhân sẽ có điều kiện phát huy trọn vẹn vai trò tiên phong. Đó không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng, mà còn là cam kết mạnh mẽ cho tương lai xanh và phát triển bền vững của đất nước.
Trước đó, ngày 4/5/2025, Trung ương ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết nêu rõ các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển khu vực này. Trong đó, việc đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân được xem là một trong những giải pháp quan trọng.
Nghị quyết 68 nêu rõ việc đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân. Cụ thể, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhân. Có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tín dụng xuất khẩu, tín dụng theo chuỗi cung ứng. Khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp.
Đáng chú ý, Nghị quyết 68 nêu rõ việc đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh. Theo đó, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
PHẠM DUNG
Bình luận