Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ sáu, 25/02/2022 21:02
TMO - Tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, vấn nạn phá rừng, săn bắn động vật hoang dã, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên tùy tiện…là những nguyên nhân đã và đang âm thầm tàn phá hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, môi trường sống của con người và sự phát triển bền vũng của đất nước.
Một góc rừng ngập mặn biển Kim Sơn thuộc Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện nay đang phải đối diện với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng như nạn phá rừng, sói mòn đất, việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên ven biển đe dọa tới các hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và sự cạn kiệt nguồn gen. Bên cạnh đó, diện tích các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã đang bị suy giảm đáng kể.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều nhà máy xả ra chất thải công nghiệp, sinh hoạt, chất độc hại trong quá trình sản xuất không được xử lý bài bản, khoa học mà đưa trực tiếp vào môi trường, gây tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái, tác nhân gây mầm dịch bệnh.
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề, riêng Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề, tuy nhiên 95% hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, hơn 50% gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ nhìn chung lạc hậu, chưa đầu tư thích đáng vào xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải. Nồng độ bụi ở đô thị vượt quá nhiều lần chỉ tiêu cho phép. Nồng độ khí thải CO2 nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến 2,5 lần. Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn cũng là vấn đề nan giải đối với các khu dân cư.
Bảo vệ hệ sinh thái thế nào?
Theo các chuyên gia, thời gian tới, để thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong điều kiện mới, cần tiếp tục thay đổi nhận thức, tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của môi trường sinh thái, trên cơ sở này xây dựng ý thức sinh thái, tức là làm cho mọi người nhận thức được một cách tự giác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Chủ trương không nhập công nghệ gây ô nhiễm môi trường sinh thái với bất kỳ điều kiện nào. Phát triển kinh tế trên sự hủy hoại môi trường cũng đồng nghĩa với sự kết án tương lai của mình. Mục tiêu chuyển giao công nghệ phải làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm vấn đề môi trường sinh thái.
Khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng không hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được (các nguyên, nhiên liệu hóa thạch), cần tận dụng tối đa tính năng vốn có sử dụng tài nguyên thiên nhiên từ bề rộng sang bề sâu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Triển khai thực hiện đầy đủ Luật bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm về tài nguyên môi trường, tập trung xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả của chiến tranh. Tăng cường giám sát công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu đông dân cư. Cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh, bảo đảm diện tích rừng nguyên sinh được bảo vệ ở mức 0,57 triệu ha; thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; khoanh nuôi, tái sinh rừng trong các chương trình trồng rừng, thực hiện các biện pháp làm giàu rừng bằng cây bản địa và đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống cháy rừng, nâng cao năng lực ứng phó với cháy rừng ở các cấp; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án phục hồi rừng ngập mặn ven biển.
Thảo Phương
Bình luận