Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 04:11
Thứ bảy, 17/08/2024 15:08
TMO - Toàn tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 5.800 con bò sữa bị bệnh tiêu chảy; hơn 290 con bị chết. Địa phương này đang tập trung, tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng chăn nuôi bò sữa để phòng, chống dịch bệnh không lây lan rộng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng, trong ngày 15/8, có thêm gần 90 con bò sữa nhiễm bệnh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 5.800 con bò sữa bị bệnh tiêu chảy; hơn 290 con bị chết. Hiện cơ quan thú y đã bổ sung hướng dẫn phác đồ điều trị cho những con bị tái phát và đang cử cán bộ đến từng hộ để hỗ trợ chữa trị.
Theo thông tin cập nhật từ cơ quan thú y, đến tối 15/8, số bò sữa được điều trị khỏi bệnh là hơn 600 con. Cùng với việc tập trung điều trị cho đàn bò, công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường cũng được chú trọng, hạn chế bệnh lây lan.
Huyện Đơn Dương hiện có số bò bị tiêu chảy lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với hơn 3.000 con nhiễm bệnh. Trong 1 tuần qua, gần 1.500 lít hóa chất đã được huyện xuất cấp về cơ sở phục vụ tiêu độc khử trùng. Lực lượng chức năng thực hiện vệ sinh môi trường dọc các tuyến đường và khu vực công cộng. Trong các hộ chăn nuôi, người dân được cấp hóa chất để tự tiêu độc khử trùng trong chuồng trại từ 1 - 2 lần/ngày. Lãnh đạo Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cho biết, ngoài phun xịt, các cán bộ hướng dẫn bà con rắc vôi xung quanh để chủ động bảo vệ chuồng trại.
Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng 10.000 lít hóa chất Benkocid phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh tiêu chảy trên bò sữa. Ảnh: LV.
Được biết tổng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hơn 24.000 con, tập trung ở huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, TP.Bảo Lộc. TP Bảo Lộc và huyện Di Linh là 2 địa phương mới bắt đầu có bò bị tiêu chảy trong 2 ngày qua. Số bò nhiễm bệnh trong toàn tỉnh hiện lên hơn 5.800 con.
Trước tình tình bò bị tiêu chảy, Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định xuất hóa chất dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng 10.000 lít hóa chất Benkocid phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh. Việc tiêu độc khử trùng vệ sinh môi trường không chỉ được cơ quan chức năng tăng cường tại vùng có bò nhiễm bệnh, mà còn được khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện ngay tại các vùng nuôi đang an toàn.
Vân Anh
Bình luận