Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ ba, 13/02/2024 10:02
TMO - Tỉnh Kon Tum đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp; thực hiện phát triển rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu…
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ý thức trách nhiệm của chủ rừng, các đơn vị, tổ chức và cá nhân, hộ gia đình trong tỉnh đã được nâng lên; các chỉ tiêu trong lĩnh vực lâm nghiệp năm 2023 đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm trên cả 03 tiêu chí (số vụ, khối lượng, diện tích), công tác phát triển rừng đạt và vượt chỉ tiêu Kế hoạch.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật lâm nghiệp vẫn còn xảy ra; việc theo dõi, kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng của các dự án được giao rừng, cho thuê rừng chưa chặt chẽ;… Bên cạnh đó, hiện nay thời tiết nắng nóng, khô hanh đã và đang xảy ra, đây cũng là thời kỳ người dân trên địa bàn tiến hành các hoạt động sản xuất nương rẫy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ động ứng phó với các nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ vững môi trường sinh thái, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trọng tâm là Kế hoạch số 117-KH/TU ngày 01 tháng 12 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”; Thông báo số 8404/TB-VP ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về kết luận của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; đồng thời tập trung triển khai một số nhiệm vụ.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.
Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng: Thủ trưởng các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố, Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, các đơn vị trồng cao su trên đất lâm nghiệp theo chức năng nhiệm vụ tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với từng đối tượng; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng và tố giác các hành vi vi phạm; chú trọng phát hiện, nêu gương, nhân rộng điển hình trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng để tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội. Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ rừng chịu trách nhiệm chính đối với các vụ vi phạm thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý hoặc để xảy ra việc cấp dưới vi phạm các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp tại địa bàn quản lý. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ của lực lượng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng; quán triệt, nghiêm túc tổ chức xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân khi để xảy ra các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng trên địa bàn quản lý; đặc biệt là việc buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và tiếp tay cho các đối tượng phá rừng trái pháp luật.
Xác định, khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, bổ sung duy trì hoạt động các chốt, trạm bảo vệ rừng tại các vị trí, khu vực xung yếu, tuyến giao thông, các khu vực trọng điểm. Tập trung lực lượng đủ mạnh tổ chức đồng loạt mở các đợt cao điểm tuần tra, truy quét. Thường xuyên kiểm tra, triệt phá các tụ điểm phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Khẩn trương điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm, sớm đưa ra xét xử đối với các vụ án đến mức phải khởi tố hình sự, gắn với công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe, giáo dục.
Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng, giao rừng, cho thuê rừng, giao khoán bảo vệ rừng, nhất là các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, khai thác tận dụng lâm sản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và kiên quyết đình chỉ, thu hồi đối với các dự án có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Quan tâm, động viên đối với lực lượng bảo vệ rừng và chăm lo đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần cho các lực lượng xa nhà phải ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại hiện trường, các chốt, trạm... vào các dịp nghỉ Lễ, Tết trong năm.
Đối với công tác phát triển rừng: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh: Căn cứ chỉ tiêu trồng rừng, trồng cây phân tán đã được phân bổ năm 2024, khẩn trương xây dựng Kế hoạch, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và tổ chức thực hiện nghiêm túc các công việc cần thiết để triển khai trồng rừng, trồng cây phân tán theo quy định. Trong đó lưu ý: Lựa chọn loại cây trồng phù hợp và đảm bảo chất lượng; phê duyệt các dự án trồng rừng từ sớm để không bị động trong việc trồng rừng; thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền về vai trò, quyền lợi, nghĩa vụ của người dân khi tham gia trồng rừng; chăm sóc tốt diện tích rừng trồng và cây phân tán sau khi trồng và chuẩn bị cây để trồng dặm đối với các diện tích rừng trồng chưa đạt yêu cầu... Kiểm tra, rà soát lại các diện tích rừng trồng chưa đạt yêu cầu trên địa bàn từ năm 2021-2023, chuẩn bị cây giống triển khai trồng lại rừng, trồng dặm bổ sung đảm bảo mật độ, chất lượng, thời vụ và thành rừng theo quy định; không sử dụng ngân sách để thực hiện việc trồng dặm, trồng lại rừng. Bố trí lực lượng theo dõi, bám sát, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn quản lý.
Các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bố trí lực lượng trực phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tổ chức kiểm tra, giám sát đối với diện tích đã và đang trồng rừng và trồng cây phân tán, theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển cây trồng nhằm phát hiện sớm tình trạng sâu bệnh hại và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời. Chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc rừng cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, đảm bảo yêu cầu từng cán bộ phải nắm rõ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, xử lý sâu bệnh hại để hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân.
Về công tác phòng cháy chữa cháy rừng: Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng, các đơn vị trồng cao su trên đất lâm nghiệp: Thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bố trí lực lượng trực phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định; tăng cường tuần tra, kiểm tra tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện và xử lý đám cháy ngay từ ban đầu; trường hợp đám cháy vượt quá khả năng kiểm soát của cơ sở, báo cáo về Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo (Chi cục Kiểm lâm) để tham mưu cấp có thẩm quyền huy động lực lượng ứng cứu kịp thời. Khẩn trương đôn đốc việc phát, thu gom vật liệu cháy, bổ sung biển báo cấm lửa, biển báo cấm chặt phá, cấm chăn thả gia súc, cấm các hoạt động sản xuất nương rẫy (đặc biệt chú trọng tại các khu vực rừng trồng đang trong thời kỳ chăm sóc; các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng). Thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị và trực phòng cháy chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng đảm bảo theo quy định, nhất là đối với các vùng có nguy cơ cháy rừng cao.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh kịp thời cung cấp thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng và phòng chống thiên tai. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, các cấp, các ngành, các đơn vị chủ rừng tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tần lớp Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Công tác phát triển rừng được triển khai quyết liệt và hiệu quả.
Toàn tỉnh đã trồng mới được 4.929,01 ha rừng, đạt 123,2% kế hoạch; diện tích Sâm Ngọc Linh trồng mới 638,8 ha, đạt 127,6%; cây dược liệu khác trồng mới 2.723,7 ha, đạt 302,63%; đã trồng được 666.863 cây phân tán, đạt 111,37% kế hoạch. Đã thực hiện khoán bảo vệ rừng 135.323,91 ha; chăm sóc rừng 8.540,75 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 1.823,62 ha; khai thác gỗ rừng trồng 38.433,45 m3. Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được bảo vệ tốt, chất lượng rừng ngày càng được nâng lên, độ che phủ rừng năm 2023 đạt 63,12%, tăng 0,07% so với năm 2022.
Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí (số vụ, khối lượng, diện tích) so với năm 2022: tổng số vụ vi phạm giảm 44 vụ (tương ứng giảm 53%), khối lượng vi phạm giảm 359,053 m3 gỗ (tương ứng giảm 85,6%), diện tích thiệt hại giảm 26,654 ha (tương ứng giảm 83%); Công tác theo dõi, nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý và tổ chức lực lượng triệt phá các tụ điểm khai thác, vận chuyển, cất giấu lâm sản, phá rừng được thực hiện thường xuyên; trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp...
Hồng Thắm
Bình luận