Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 10:11
Thứ hai, 16/01/2023 08:01
TMO - Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới vừa được công bố mới đây cho thấy, kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại do lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, đầu tư giảm và gián đoạn do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 1,7% vào năm 2023 và 2,7% vào năm 2024.
Báo cáo này chỉ ra, sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (ĐA-TBD) đã chậm lại rõ rệt vào năm 2022, xuống mức ước tính là 3,2%, thấp hơn 1,2% so với các dự báo trước đó. Tăng trưởng chậm lại gần như hoàn toàn là do Trung Quốc (chiếm khoảng 85% GDP của khu vực) tăng trưởng giảm mạnh, xuống còn 2,7%, thấp hơn 1,6 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 6/2022. Trung Quốc phải đối mặt với những đợt bùng phát dịch Covid-19 tái diễn và hạn chế di chuyển, hạn hán chưa từng có và căng thẳng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, tất cả đều hạn chế tiêu dùng, sản xuất lương thực và năng lượng cũng như đầu tư tư nhân. Những hỗ trợ về chính sách tài chính và tiền tệ cho nhu cầu trong nước và nới lỏng các hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản chỉ bù đắp được một phần những khó khăn này.
Việt Nam là một trong ít quốc gia được đánh giá có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh nhất sau đại dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ
Lạm phát giá tiêu dùng gia tăng trên toàn khu vực vào năm 2022. Bất chấp sự gia tăng này, áp lực về giá cả ở ĐA-TBD nhìn chung thấp hơn so với các khu vực khác. Điều này phần nào phản ánh khoảng cách sản lượng âm do sự kết hợp của hai yếu tố là tiềm năng tăng trưởng tương đối cao và quá trình phục hồi kéo dài cũng như việc kiểm soát giá và trợ cấp vẫn phổ biến.
Về rủi ro của nền kinh tế trong năm 2023, Báo cáo cho rằng, rủi ro suy giảm đối với dự báo cho khu vực bao gồm khả năng xảy ra gián đoạn mới liên quan đến đại dịch, khó khăn trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc, các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, tăng trưởng toàn cầu giảm và các hiện tượng thời tiết liên quan đến biến đổi khí hậu xảy ra thường xuyên hơn. Cuộc chiến kéo dài ở Ukraine và những bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng có thể làm giảm thêm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu, đồng thời dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu của khu vực giảm tốc mạnh hơn so với dự kiến. Các nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa và xuất khẩu như Campuchia, Malaysia, Mông Cổ và Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương do nhu cầu xuất khẩu giảm, bao gồm cả từ Trung Quốc. Khu vực ĐA-TBD tiếp tục phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết liên quan đến biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng với tần suất ngày càng tăng.
Về triển vọng của nền kinh tế năm 2023, Báo cáo cho rằng, tăng trưởng ở khu vực ĐA-TBD được dự đoán sẽ ổn định ở mức 4,3% khi việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch cho phép hoạt động ở Trung Quốc dần phục hồi. Những dự báo này thấp hơn so với hồi tháng 6 năm ngoái, khi mức tăng trưởng của khu vực dự kiến sẽ vượt 5% trong năm 2023-2024. Những điều chỉnh giảm diễn ra trên diện rộng và phản ánh sự gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19 cũng như hoạt động yếu kém kéo dài trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa thấp hơn dự kiến trên toàn khu vực. Lạm phát cũng được dự đoán sẽ giảm bớt phần nào sau khi đạt đỉnh vào năm 2022.
Trong khu vực (ngoại trừ Trung Quốc), tốc độ tăng trưởng được dự đoán sẽ chậm lại, ở mức 4,7% vào năm 2023 do nhu cầu bị dồn nén không còn nữa và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh hơn sự phục hồi chậm của ngành du lịch và lữ hành. Mặc dù nhiều quốc gia vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau khi đại dịch được kiểm soát, với sản lượng vào năm 2023 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn đáng kể so với xu hướng trước đại dịch, giá lương thực, năng lượng và các yếu tố đầu vào khác tăng cao cũng như việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa dự kiến sẽ kìm hãm hoạt động trong năm nay, đặc biệt là đầu tư. Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở ĐA-TBD được dự đoán sẽ giảm xuống còn 3,6% trong giai đoạn 2020-2023, so với mức trung bình 6,2% trong thập kỷ trước đại dịch.
GDP của Indonesia được dự đoán sẽ tăng trung bình 4,9% trong giai đoạn 2023-2024, chỉ thấp hơn một chút so với năm 2022, phản ánh chi tiêu tư nhân giảm nhưng vẫn mạnh. Sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, tăng trưởng ở Malaysia, Philippines và Việt Nam dự kiến sẽ ở mức vừa phải do tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường chính chậm lại. Tốc độ tăng trưởng được dự báo ở mức 4% tại Malaysia, 5,4% tại Philippines và 6,3% tại Việt Nam. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng của Thái Lan được dự đoán sẽ tăng lên 3,6% vào năm 2023, do các ngành tiếp xúc nhiều như du lịch và vận tải có tốc độ phục hồi chậm.
Lan Hương
Bình luận