Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 02:11
Thứ ba, 07/05/2024 19:05
TMO - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, nhất là trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.
Theo đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc. Cùng với đó, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, chủ động có biện pháp can thiệp, bảo đảm cân đối hài hòa với điều hành lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp, công nghiệp phụ trợ tiếp đà tăng trưởng. Ảnh minh họa.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 4 tháng tăng lần lượt là 15,2%, 15% và 15,4% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,4 tỷ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng cao. Các cân đối lớn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn thực hiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam. Giải ngân đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đưa lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, ngành du lịch ước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú. Ảnh minh họa.
Một trong những điểm sáng của nền kinh tế là hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 2,9%). Đồng thời, tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực hơn. Trong tháng 4, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 15.300 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (13.600 doanh nghiệp); doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và giải thể lần lượt giảm 20,2% và 10,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 81.300 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 25.500 doanh nghiệp, giảm 5,3%. Ngoài ra, thể chế, pháp luật tiếp tục được tập trung hoàn thiện. Xử lý tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực và hiệu quả...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, khó khăn, thách thức còn rất lớn, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, nhất là trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định các mục tiêu, định hướng phát triển đã đề ra; làm tốt công tác dự báo; chủ động tham mưu, điều hành linh hoạt, thận trọng, chắc chắn; bảo đảm tiến độ công việc được giao…/.
ĐOÀN VINH
Bình luận