Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ tư, 27/09/2023 19:09
TMO – Được xác định là khu vực giàu tiềm năng, nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội và cho dù phát triển kinh tế-xã hội có nhiều cải thiện trong những năm gần đây, tuy nhiên các tỉnh khu vực Tây Bắc vẫn là địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế, kinh tế phát triển chậm so với các vùng, miền khác trên cả nước.
Khu vực Tây Bắc (gồm các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) là cửa ngõ phía Tây của Tổ quốc, có biên giới với Lào, Trung Quốc, có nhiều tiềm năng to lớn, nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy điện và du lịch sinh thái. Tây Bắc có diện tích tự nhiên rộng với khoảng 3.741.263 ha, chiếm 11,3% diện tích cả nước, cơ cấu dân số ở vùng nông thôn chiếm khoảng trên 80%, thành thị khoảng gần 20%.
Trong những năm gần đây, bức tranh toàn cảnh kinh tế vùng Tây Bắc đã có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của vùng qua các năm đều tăng dần, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là điện, đường, trường, trạm được nâng cấp, mở rộng; nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xây dựng, đi vào hoạt động. Các dự án đầu tư vào khu vực tăng cả về số lượng, quy mô; trong đó, có nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Nông - lâm - ngư nghiệp bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển chung của đất nước.
(Ảnh minh họa. Nguồn: BÙI AN)
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc còn những hạn chế nhất định. Hiện nay, Tây Bắc vẫn là địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế so với các vùng, miền khác của cả nước; kinh tế phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực thấp nhất cả nước; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Từ thực tế đó, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc là vấn đề đặt ra cấp thiết. Để khắc phục những hạn chế và nâng cao hơn nữa hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cần triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền các cấp trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, đảm bảo cho chủ trương phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc đi vào thực tiễn một cách thực chất, hiệu quả. Theo đó, cùng với tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, cần chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề này. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, quy chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện, đảm bảo thống nhất, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Với đặc thù riêng, Tây Bắc hiện là khu vực đang có nhu cầu đầu tư lớn; đồng thời, cũng là địa bàn thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tỉnh Tây Bắc cần rà soát, thẩm định, giám sát kỹ khi phê duyệt phân vùng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, dự án đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, để đảm bảo luôn kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, cần phòng ngừa, chống biểu hiện tuyệt đối hóa mục tiêu kinh tế, nhất là khi các địa phương còn nhiều khó khăn dễ làm nảy sinh tư tưởng phát triển kinh tế bằng mọi giá, chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần.
Thứ hai, Gắn kết chặt chẽ mục tiêu kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh ngay từ hoạch định, phân vùng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển của từng địa phương và vùng Tây Bắc. Đây là cơ sở để đảm bảo mỗi bước phát triển, mỗi thành tựu, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; ngược lại, mỗi thành quả trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là tiền đề giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả địa bàn, hướng đến phát triển bền vững. Theo đó, các địa phương cần chủ động triển khai nội dung kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế ngay trong hoạch định các chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, ngành, lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mình. Trước hết, chú trọng xây dựng, hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, bố trí quốc phòng; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, gắn với bảo đảm an ninh lương thực, môi trường sinh thái và tích lũy cho nhu cầu quốc phòng; quy hoạch sử dụng đất, phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực gắn với điều chỉnh, bố trí lực lượng và gắn các dự án xây dựng khu đô thị, nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng với quy hoạch thế trận quốc phòng, thế trận khu vực phòng thủ địa phương...
Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh của các địa phương phải được thực hiện một cách toàn diện, nhưng cần tập trung, có trọng tâm, coi trọng tính “lưỡng dụng” của các chương trình, dự án, ưu tiên địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng căn cứ cách mạng, nơi kinh tế khó khăn, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Xuất phát từ vị trí trọng yếu của Tây Bắc, Đảng, Nhà nước cần xây dựng quy hoạch vùng, cơ chế liên kết vùng, cần thiết có thể ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực này để nâng cao hiệu quả kết hợp, đáp ứng mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cả trước mắt và lâu dài, tránh tình trạng “mạnh ai lấy làm”, dẫn đến chồng chéo hoặc bỏ sót, thiếu đồng bộ.
Thứ ba, Thực hiện đồng bộ các biện pháp tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội. Trước hết, tập trung triển khai có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, các thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương cần đẩy mạnh khai thác một cách hợp lý tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khoáng sản, thủy điện, kinh tế đối ngoại; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, nâng cao dân trí, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững. Các tỉnh Tây Bắc tiếp tục đa dạng hoá nguồn lực, phân bổ đầu tư hợp lý cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quan tâm đến đối tượng con em đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng xanh, bền vững, gắn với chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
Đặc biệt, về lĩnh vực du lịch, các tỉnh khu vực Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, nơi đây có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Để phát triển du lịch theo hướng bền vững các tỉnh vùng Tây Bắc, cần triển khai một số giải pháp trọng tâm: Văn hóa, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường phải được gìn giữ và phát huy, nhất là giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc trưng của cộng đồng dân cư địa phương. Duy trì và nâng cao chất lượng phong cảnh, kể cả ở nông thôn và đô thị, tránh để môi trường xuống cấp. Du lịch bền vững hướng đến du lịch xanh, sạch, thân thiện, an toàn. Hỗ trợ bảo tồn hệ động, thực vật. Bảo vệ môi trường phải được các cơ quan quản lý các cấp coi trọng, phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch. Tiếp tục rà soát, lập quy hoạch chi tiết từng khu, điểm, cụm và vùng du lịch trọng điểm, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các khu đô thị xanh. Khác sản phẩm thuộc các loại hình du lịch có thế mạnh đặc thù.
Triển khai nhiều hoạt động cho doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao kiến thức về phát triển bền vững, cách làm để có sản phẩm khác biệt, du lịch trách nhiệm với cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường, áp dụng các tiêu chí của phát triển du lịch bền vững…, bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững, gồm: Hiệu quả kinh tế; phát triển cho địa phương; đáp ứng sự thỏa mãn của khách du lịch; Bảo tồn các giá trị văn hóa; bảo vệ tự nhiên; bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; an sinh xã hội; công bằng xã hội./.
BÙI AN
Bình luận