Hotline: 0941068156
Thứ ba, 03/12/2024 23:12
Thứ sáu, 16/08/2024 07:08
TMO - Kiên Giang là một trong những tỉnh tại vùng trọng điểm kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Du lịch Kiên Giang định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới là điểm đến an toàn, hấp dẫn và mến khách.
Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, cuối năm 2017, Tỉnh ủy có nghị quyết về phát triển du lịch Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Qua thực hiện nghị quyết này, đến nay, du lịch Kiên Giang có nhiều thay đổi, phát triển tích cực, là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường.
Giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh đã đón hơn 24,6 triệu lượt du khách đến địa phương; trong đó có trên 973.860 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 39.130 tỷ đồng. Tổng lượt khách đến địa phương tham quan, du lịch trong 6 tháng đầu năm nay là hơn 5,4 triệu lượt (tăng 11% so cùng kỳ năm 2023, đạt 59,2% kế hoạch năm), trong đó, hơn 508.640 lượt khách quốc tế (đạt 74,8% kế hoạch, tăng 45,1%). Tổng thu du lịch khoảng 13.394 tỷ đồng (tăng 27,7% so cùng kỳ năm 2023, đạt 67% kế hoạch).
Ngành Du lịch tỉnh đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là vùng, miền trọng điểm du lịch. Ngành tăng cường quảng bá, xúc tiến, giới thiệu hình ảnh, điểm đến du lịch địa phương. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong tỉnh tổ chức nhiều tour, tuyến, sự kiện, chương trình nhân dịp lễ, Tết, góp phần tạo ấn tượng cho du khách đối với du lịch Kiên Giang.
Du lịch Kiên Giang định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới là điểm đến an toàn, hấp dẫn và mến khách. Ảnh: HN.
Với tiềm năng, lợi thế du lịch vượt trội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang liên kết hợp tác với các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung, cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long nhằm quảng bá, giới thiệu du lịch, xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn, với tổng diện tích 9.754 ha và tổng vốn đầu tư 393.135 tỷ đồng.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch được tỉnh quan tâm đầu tư như: giao thông với hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không; hệ thống điện lưới quốc gia được đưa ra các đảo trên vùng biển Tây Nam; các công trình cấp nước, khu xử lý rác thải, nước thải... Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn và hiện đại với công suất phục vụ khoảng 2,65 triệu khách/năm. Sân bay Phú Quốc đang được quy hoạch mở rộng đường bay, kết nối sâu hơn Phú Quốc với tất cả vùng, miền trên cả nước và thế giới.
Tỉnh đã quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch của mỗi vùng gồm: thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận phát triển du lịch sinh thái, biển đảo, di tích lịch sử, lễ hội; Hà Tiên - Kiên Lương phát triển du lịch biển đảo, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; U Minh Thượng phát triển du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử U Minh Thượng; Phú Quốc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và dịch vụ quốc tế chất lượng cao của khu vực và thế giới; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang phát triển du lịch sinh thái, kết hợp nghiên cứu khoa học.
Du lịch Kiên Giang đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản và kích thích thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển; giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách.
Kiên Giang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND về thực hiện đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn Kiên Giang. Theo UBND tỉnh Kiên Giang, việc cơ cấu lại ngành du lịch nhằm tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ. Phấn đấu là tỉnh trong nhóm có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước, đồng thời đưa thành phố Phú Quốc thực sự trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.
Cụ thể, Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón 10,7 triệu lượt du khách (du khách quốc tế đạt 900.000 lượt). Đến năm 2030 đón 23,667 triệu lượt du khách (du khách quốc tế đạt 1,667 triệu lượt). Đến năm 2025 tạo việc làm cho 38.600 người lao động trực tiếp và đến năm 2030 đạt 65.500 người lao động trực tiếp. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 38.000 tỷ đồng, đóng góp trên 13% GRDP của tỉnh; đến năm 2030 đạt 105.000 tỷ đồng, đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh.
Giai đoạn 2024-2030, Kiên Giang tập trung cơ cấu lại thị trường du khách gồm nâng tỷ lệ thị trường du khách châu Âu; đưa thị trường du khách Đông Nam Á thành thị trường trọng điểm; khai thác ổn định nguồn du khách Trung Quốc và Hàn Quốc; khai thác thị trường mới từ Ấn Độ và Trung Đông. Tăng tỷ lệ khách quốc tế đến 3 vùng du lịch trọng điểm Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận; Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và phụ cận; U Minh Thượng và phụ cận, giảm chênh lệch với TP. Phú Quốc. Đối với thị trường du khách nội địa, tỉnh nâng tỷ lệ khách nội địa đến 3 vùng du lịch trọng điểm. Đến năm 2025 đạt 47%, phấn đấu đến năm 2030 đạt 50% trong tổng khách nội địa đến Kiên Giang.
Kiên Giang tiếp tục hình thành 3 sản phẩm du lịch đặc thù gồm tham quan hệ sinh thái địa hình karst giao thoa biển và đồng bằng ở TP. Hà Tiên, Kiên Lương; tham quan nghiên cứu về bò biển (dugong), cá heo và đồi mồi trong môi trường tự nhiên và tham quan nghiên cứu và hoạt động du lịch sinh thái tại rừng nhiệt đới trên đảo TP. Phú Quốc. Địa phương này sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trong rừng, thể thao mạo hiểm, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu đa dạng sinh học, trải nghiệm đời sống hoang dã; du lịch khám phá TP. Hà Tiên, quần đảo Hải Tặc (TP. Hà Tiên).
Đồng thời, khai thác du lịch cộng đồng; du lịch thương mại tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng, khảo cổ văn hóa Óc Eo; du lịch đô thị, giải trí sang trọng tại TP. Phú Quốc; du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống; các sản phẩm du lịch sáng tạo… Ngoài ra, Kiên Giang khuyến khích hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công, tư cho phát triển hạ tầng du lịch; tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch; chú trọng tổ chức dịch vụ kinh tế đêm...
Thời gian tới, Kiên Giang phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên tự nhiên, tính độc đáo về văn hóa, con người Kiên Giang, hình thành các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch. Tỉnh tăng cường liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế; tập trung nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển các khu du lịch; hạ tầng giao thông kết nối, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các khu, điểm du lịch với hệ thống giao thông của tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển du lịch.
Cùng với tiếp tục phát triển du lịch "đảo ngọc" Phú Quốc, tỉnh tập trung đầu tư phát triển các khu du lịch tiềm năng như Khu du lịch Đầm Đông Hồ, Mũi Nai, núi Bình San (thành phố Hà Tiên); Khu du lịch Chùa Hang-Hòn Phụ Tử, quần đảo Bà Lụa-Ba Hòn Đầm (huyện Kiên Lương); Khu du lịch Ba Hòn, Di tích lịch sử thắng cảnh Hòn Đất-mộ Chị Sứ (huyện Hòn Đất); Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Thượng…
Kiên Giang tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch; trong đó đẩy mạnh chuyển đổi số, tận dụng các nền tảng xã hội trong xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch trên các chuyến bay, tại nhà ga, bến cảng, phương tiện giao thông công cộng và qua các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…
Tỉnh tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với các địa phương trong và ngoài nước để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “Một cung đường-nhiều điểm đến,” hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương; hợp tác chặt chẽ trong đầu tư, phát triển sản phẩm, truyền thông, quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch.
Thu Giang
Bình luận