Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ năm, 06/04/2023 12:04
TMO - Hoạt động sản xuất công nghiệp bao gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó các lĩnh vực có lượng phát thải lớn gồm lĩnh vực khai thác khoáng sản, lĩnh vực phát triển năng lượng, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, lĩnh vực sản xuất thép. Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, các ngành sản xuất trên cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát nguồn khí thải, hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm không khí.
Trong khai thác khoáng sản, trừ một số loại khoáng sản có tài nguyên, trữ lượng lớn, phù hợp với khai thác quy mô công nghiệp như dầu khí, than, bôxít, titan, apatit, đất hiếm, đá hoa trắng…, đa phần các loại khoáng sản còn lại có quy mô trữ lượng thuộc loại vừa và nhỏ, phân tán, điều kiện khai thác phức tạp. Thực trạng này là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí trong sản xuất công nghiệp.
Theo Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2021 , cả nước hiện có trên 5.000 mỏ, điểm quặng của khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau nằm phân bố rải rác tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Một số địa phương có trữ lượng khoáng sản đa dạng về chủng loại được cấp phép khai thác như: Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Hải Phòng, Yên Bái…
Trên phạm vi cả nước hiện có 4.020 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trừ một số loại khoáng sản có tài nguyên, trữ lượng lớn, phù hợp với khai thác quy mô công nghiệp (như dầu khí, than, bôxit, titan, apatit, đất hiếm, đá hoa trắng…), phần lớn các loại khoáng sản còn lại có quy mô loại vừa và nhỏ, phân tán, điều kiện khai thác phức tạp... Đáng lưu ý là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Bụi, khí độc hại, nước thải… từ các khai trường của các mỏ khoáng sản, bãi thải… là nguyên nhân phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm đối với môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong đó có khai thác khoáng sản nếu không có giải pháp kết hợp bảo vệ môi trường sẽ có nguy cơ cao gây ô nhiễm không khí... Ảnh: XV.
Đối với phát triển năng lượng, tính đến cuối năm 2021 tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 77.800 MW, trong đó tổng công suất nguồn nhiệt điện than chiếm 32,5% tổng cơ cấu nguồn điện. Các nguồn điện phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền. Thủy điện tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung, là những khu vực có nhiều sông ngòi và địa hình phù hợp.
Trước đây, các nhà máy nhiện điện than là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng do sử dụng công nghệ lạc hậu. Hiện nay, chỉ còn một số nhà máy như Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại 1 đang sử dụng công nghệ cũ, các nhà máy còn lại đã sử dụng công nghệ hiện đại và được sử dụng rộng rãi trên thế giới; do đó, việc phát thải bụi, SO2 và NOx ra môi trường đã phần nào được kiểm soát. Tuy nhiên, do công suất hoạt động cao, lượng phát thải lớn nên các nhà máy nhiệt điện than vẫn là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí cần được giám sát, kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, sự gia tăng các hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng và quá trình đô thị hóa dẫn đến nhu cầu lớn đối với ngành vật liệu xây dựng. Trong các loại hình sản xuất vật liệu xây dựng, đáng chú ý là vật liệu nung. Quá trình sản xuất các loại vật liệu này phát sinh lượng lớn các khí thải ô nhiễm và khí nhà kính. Sản xuất gang thép thuộc ngành công nghiệp nặng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tác động đến sức khỏe cộng đồng. Công nghệ sản xuất gang, phôi thép, cán các sản phẩm thép phải qua nhiều công đoạn và sử dụng nhiều loại tài nguyên khoáng sản, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu với khối lượng lớn như hóa chất, năng lượng… Mỗi công đoạn sản xuất đều phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường nếu không xử lý. Hiện nay có trên 300 doanh nghiệp trên cả nước (chiếm gần 30% tổng sản lượng gang thép sản xuất tại Việt Nam) có quy mô nhỏ và vừa, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các cơ sở đầu tư nhỏ lẻ tại các làng nghề...
Các chuyên gia môi trường cho rằng, quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, ngày càng có nhiều nhà máy, khu công nghiệp tập trung được xây dựng và đưa vào hoạt động tạo ra một khối lượng sản phẩm công nghiệp chiếm một tỉ trọng cao trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp đã gây nên nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường trong đó có môi trường không khí. Nếu không có biện pháp thích đáng thì môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng xung quanh các nhà máy, các khu công nghiệp tập trung sẽ đứng trước nguy cơ bị xấu đi trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Việc kiểm soát nguồn phát thải trong hoạt động sản xuất công nghiệp thông qua quan trắc, yêu cầu đổi mới công nghệ... là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế ô nhiễm không khí.
Để kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020; trong đó có bổ sung quy định cụ thể về nội dung, trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường khí quốc gia và cấp tỉnh.
Trong đó, Điều 98 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết quan trắc khí thải công nghiệp. Đồng thời, ban hành hướng dẫn kỹ thuật lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh để hướng dẫn các địa phương xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch tại Công văn số 3051/BTNMTTCMT ngày 07 tháng 6 năm 2021.
Để tăng cường kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành: Thông tư số 02/2018/TT-BXD ngày 06/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng. Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/05/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đang tổ chức soạn thảo tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí trong nhà ở và nhà công cộng gửi Bộ KH&CN ban hành; đôn đốc, hướng dẫn các tập đoàn, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí cũng như các quy định quản lý môi trường ngành xây dựng.
Để giám sát hiệu quả chất lượng môi trường không khí, các địa phương đã tăng cường đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục. Số lượng trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục ở các địa phương cũng đã tăng lên khá nhanh trong giai đoạn vừa qua; hiện trên cả nước đã có 94 trạm. Một số địa phương có số lượng trạm lớn và vận hành khá ổn định như Quảng Ninh (15 trạm), Bắc Ninh (18 trạm)…
Các địa phương đã chú trọng yêu cầu về bảo vệ môi trường không khí trong hoạt động cấp phép đầu tư, thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí thải theo quy định của pháp luật. Các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục đã xây dựng hạ tầng kết nối phục vụ cho việc truyền dữ liệu về Sở TN&MT và Bộ TN&MT theo quy định.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm không khí trong sản xuất công nghiệp nói riêng cũng như toàn bộ các hoạt động phát sinh khí thải trong đời sống kinh tế-xã hội. Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật kiểm soát các nguồn phát sinh khí thải; cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí; tổ chức thực hiện các giải pháp xanh bảo vệ môi trường không khí.
Rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, xây dựng kế hoạch cung ứng nhiên liệu và kiểm soát chất lượng nhiên liệu đảm bảo phù hợp với quy chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới tham gia giao thông; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng sử dụng nhiên liệu sinh học trong hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển ngành nghề là các đối tượng ít gây ô nhiễm không khí theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020; Chuyển đổi sản xuất đối với các làng nghề gây ô nhiễm không khí.
Xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam đối với các phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, quy trình sản xuất, nâng cao năng lực, trình độ công nghệ quản trị; áp dụng sản xuất sạch hơn, hệ thống chứng nhận theo TCVN ISO 14001; phát triển, ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường; lắp đặt, vận hành các hệ thống xử lý khí thải đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục.
Khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải; đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng hệ số phát thải làm cơ sở thực hiện kiểm kê khí thải phù hợp với điều kiện Việt Nam; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xác định sự đóng góp của các nguồn khí thải đối với bụi PM10 và PM2,5 phục vụ cho công tác quản lý chất lượng môi trường không khí.
Thùy Dương
Bình luận