Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ năm, 26/10/2023 14:10
TMO - Cùng với việc kêu gọi thu hút đầu tư 120 dự án trong giai đoạn 2023 - 2030, Hải Dương đề xuất bổ sung tạm dừng thu hút đầu tư 4 danh mục dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh...
Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương đã có 518 dự án FDI với vốn đăng ký 9,43 tỷ USD; 3 dự án sử dụng vốn vay ODA với tổng 190.8 triệu USD. Trong 9 tháng năm 2023 tổng vốn đăng ký đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt 7.929 tỷ đồng, tăng gấp 10,2 lần so cùng kỳ năm trước; về đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 392,5 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 4) mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã thống nhất kêu gọi thu hút đầu tư 120 dự án trong giai đoạn 2023 - 2030, đồng thời đề xuất bổ sung tạm dừng thu hút đầu tư 4 danh mục dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2023 - 2030 Hải Dương đặt ra là có 1 dự án khu kinh tế chuyên biệt; 1 dự án hạ tầng giao thông; 40 dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp (14 dự án khu công nghiệp); 44 dự án xã hội hóa (13 dự án y tế, 7 dự án giáo dục, 6 dự án văn hóa, 15 dự án thể thao, 3 dự án môi trường); 9 dự án nhà ở xã hội; 5 dự án sản xuất công nghiệp sử dung công nghệ cao, thân thiện với môi trường và dự án công nghiệp hỗ trợ; 19 dự án thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics; 9 dự án nông, lâm, thủy sản và 1 dự án năng lượng. Dự kiến tổng diện tích phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030 là 5.661 ha và đã được Thủ tướng phê duyệt 17 khu công nghiệp.
Tỉnh Hải Dương tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn đối với 4 nhóm dự án nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, ngoài danh mục dự án tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương theo Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 2/2/2021 của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, bổ sung một số dự án tạm dừng thu hút đầu tư như: Dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc các dự án sản xuất có phát sinh mùi đặc trưng; Dự án thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực có sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế, cấm chuyển giao được ban hành tại phụ lục II và III của Nghị định số 76/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Dự án thuộc các ngành, nghề có công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên; Dự án sản xuất, kinh doanh bến, bãi (than, tro, xỉ) trên địa bàn thị xã Kinh Môn.
Đồng thời, sau phiên thảo luận, UBND tỉnh Hải Dương đã cơ bản nhất trí với đại diện các sở ngành, thống nhất tạm dừng thu hút một số dự án gồm: Dự án dệt nhuộm (dệt có công đoạn nhuộm), giặt mài; Dự án sản xuất da, giầy da và các sản phẩm có liên quan mà trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da, nhuộm da; Dự án lọc hóa dầu; Dự án sản xuất pin (trừ hoạt động gia công lắp ráp), ắc quy; Dự án chế biến mủ cao su; sản xuất, chế biến nguyên liệu cao su; sản xuất sản phẩm cao su (trừ hoạt động gia công lắp ráp, định hình cơ học sản phẩm)...
Trước đó, ngày 2/2/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 390/QĐ-UBND ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, tỉnh Hải Dương ưu tiên những dự án đầu tư theo mô hình sản xuất xanh, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường và “nói không” với những dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm (dệt có công đoạn nhuộm), giặt mài; sản xuất da, giày da và các sản phẩm có liên quan mà trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da, nhuộm; lọc hóa dầu,... Điều này cho thấy, Hải Dương rất thiện chí trong thu hút nhưng cũng rất khắt khe trong sàng lọc các dự án đầu tư.
Địa phương tập trung nâng cao chỉ số PGI với việc khuyến khích các doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế.
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tỉnh Hải Dương đứng thứ 6 cả nước về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022 với 16,53 điểm, sau các tỉnh, thành phố: Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng; đứng thứ 2 Vùng Đồng bằng sông Hồng, sau tỉnh Bắc Ninh.
Chỉ số PGI được tính trên thang điểm 20 gồm 4 chỉ số thành phần. Trong đó, chỉ số thành phần về vai trò lãnh đạo của chính quyền trong bảo vệ môi trường của Hải Dương đạt 5,15 điểm, đứng thứ 2 cả nước, sau Hải Phòng. Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đạt 4,61 điểm, đứng thứ 6 sau các tỉnh Bắc Ninh, Trà Vinh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bình Phước. Chỉ số chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đạt 2,13 điểm, đứng thứ 18 cả nước. Chỉ số bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu đạt 4,61 điểm, không bảo đảm ở mức trung vị.
Dự thảo quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh, nhà đầu tư có dự án xanh, công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch; công nghiệp chế tạo, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử với dây chuyền hiện đại, thân thiện với môi trường; logistics, thương mại, du lịch sinh thái; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được ưu tiên thu hút đầu tư.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho biết, định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới là sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Từ năm 2021, Sở TN&MT đã rà soát, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Danh mục tạm dừng thu hút đầu tư với 8 nhóm ngành có nguy cơ ô nhiễm; triển khai giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cho các nhóm ngành; kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở thuộc các danh mục phải thực hiện kiểm kê theo quy định.
Đồng thời, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, ưu đãi phù hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động về xử lý chất thải... theo nhiều hình thức nhằm tăng cường xã hội hóa về bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác, kết nối các nguồn tài trợ, hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo cơ chế song phương, đa phương, để nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu. Ưu tiên khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường…
Đức Nam
Bình luận