Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ năm, 08/06/2023 08:06
TMO - Để chống ô nhiễm rác thải nhựa, những năm qua tỉnh Nam Định đã rất nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chương trình, biện pháp, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho thấy, mỗi ngày tỉnh Nam Định phát sinh trên 980 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó lượng rác thải nhựa phát sinh ước tính khoảng 196 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực thành phố mới đạt khoảng 95,5%; tại khu vực nông thôn mới đạt 89,5%; chỉ một số ít rác thải nhựa được tái chế, tận dụng, ngoài ra, vẫn còn lượng lớn rác thải nhựa bị thải trực tiếp ra môi trường và trôi ra biển.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Tỉnh cũng phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”. Hàng năm các ngành, các địa phương trong tỉnh duy trì các hoạt động mít tinh, các đợt ra quân vệ sinh môi trường, phân loại rác thải nhựa, xóa các “điểm đen” về rác thải.
Phát động triển khai chương trình thu gom rác thải, làm sạch bờ biển được các địa phương, đơn vị đẩy mạnh triển khai.
Các địa phương đã chú trọng kiểm soát, xử lý tình trạng vứt bỏ rác thải nhựa bừa bãi ra ngoài môi trường thông qua các hoạt động đẩy mạnh thu vớt, dọn dẹp rác thải nhựa; tăng cường giám sát, xử lý vi phạm vứt túi nilon, rác thải nhựa bừa bãi ra các tuyến đường giao thông, bãi đất trống, các tuyến sông, kênh; thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn; tăng cường vận động người dân thực hiện phân loại rác ngay tại các hộ gia đình.
Kết quả cho thấy, đã có 195/226 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 77,8%) đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn và thực hiện giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa; góp phần giảm 30-50% lượng rác thải đưa đi xử lý, trong đó có một lượng đáng kể là rác thải nhựa. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp cũng phát sinh rác thải nhựa nguy hại là các bao bì, túi chứa đựng với tỷ lệ chiếm khoảng 10% so với lượng phân bón.
Để hạn chế ô nhiễm môi trường từ rác thải này, các địa phương đã xây dựng các bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để thu gom, xử lý theo quy định. Toàn tỉnh có hơn 20 nghìn bể chứa được xây ở các đường trục chính của cánh đồng, thuận tiện cho việc thu gom; các xã cũng đã ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã thu gom theo quy định.
Việc triển khai dự án Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng mang lại những kết quả nổi bật trong mục tiêu ngăn ngừa ô nhiễm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, dự án đã lắp đặt, hạ thuỷ và bàn giao cho chính quyền các địa phương vận hành 6 công cụ thu gom rác (bẫy rác) trên sông, gồm 5 bẫy rác đặt trên sông Hồng địa phận các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Điền Xá, Nam Thắng (Nam Trực), Xuân Thành (Xuân Trường), Giao Hương (Giao Thuỷ), một bẫy rác đặt trên sông Đào địa phận phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định). Các bẫy rác đã góp phần tăng hiệu quả thu gom rác trôi nổi trên sông, giảm thiểu rác trôi ra biển và nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý rác thải rắn, rác thải nhựa, đóng góp vào hệ thống dữ liệu mạng lưới bẫy rác toàn cầu.
Công cụ thu gom rác trên sông tại thôn Phú Hào, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh tiếp tục thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cộng đồng đẩy mạnh giới thiệu và nhân rộng mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình, trong đó chú trọng biện pháp giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa theo quy định; trồng và chăm sóc cây xanh, tuyến đường hoa, cây cảnh.
Triển khai, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, của tỉnh về thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với quy định phải giảm thiểu, thu gom, xử lý đúng quy định rác thải nhựa tại địa phương đạt trên 85% (cấp huyện) và trên 90% (cấp xã).
Nam Định có khoảng 72km đường bờ biển, có 3 huyện ven biển là Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển). Để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và lợi thế do biển mang lại, những năm qua tỉnh đã thiết lập, tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước về biển với nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ môi trường biển.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh với các phong trào không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, nhựa dùng 1 lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa, nilon..., tăng cường quản lý rác thải nhựa đại dương.
Để kiểm soát, xử lý nguồn thải từ sản xuất nông nghiệp tại vùng ven biển, các ngành, các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở bà con ngư dân không xả rác, chất thải bừa bãi ra biển, tổ chức thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định, đặc biệt là các loại rác thải nguy hại đối với môi trường biển như hóa chất, dầu thải. Ban quản lý Cảng cá Nam Định đã xây dựng các điểm thu gom rác của tàu cá theo đúng quy định đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thường xuyên giám sát, theo dõi hoạt động tại các vùng nuôi thủy sản, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi sử dụng chất cấm, các chất gây hại đến môi trường. Công tác quản lý nguồn thải từ sản xuất công nghiệp, du lịch và chế biến hải sản ra môi trường biển đã được tăng cường thông qua việc xác nhận, phê duyệt, giám sát, kiểm tra các kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án trên biển, ven biển trong quá trình đầu tư và đi vào hoạt động.
Thanh Thúy
Bình luận