Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 17:11
Thứ sáu, 03/05/2024 08:05
TMO - Đồng Nai là tỉnh có diện tích mặt nước lớn nhất vùng Đông Nam bộ với nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Nhằm khai thác hiệu quả lợi thế trên, địa phương này triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường nhất là nguồn nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản.
Trong nhiều năm qua, ngành thủy sản Đồng Nai luôn đạt mức tăng trưởng top đầu so với các lĩnh vực khác. Đồng Nai có lợi thế phát triển nghề đánh bắt và nuôi thủy sản với hệ thống sông ngòi dày đặc gồm: sông Đồng Nai, sông La Ngà và sông Thị Vải với diện tích gần 70 nghìn ha mặt nước. Toàn tỉnh còn có 18 hồ chứa thủy lợi và trên 60 con sông, kênh rạch lớn nhỏ, thuận lợi cho việc nuôi các loài thủy sản, tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sinh vật của tỉnh.
Tỉnh có nhiều khu vực có nguồn lợi thủy sản phong phú như: hồ Trị An, rừng ngập mặn (thuộc các huyện Long Thành và Nhơn Trạch), hệ thống các sông, đặc biệt là hạ nguồn sông Đồng Nai... hệ thống sông Đồng Nai từng có hàng trăm loài cá nước ngọt, 12 loài tôm nước ngọt. Bên cạnh đó, nguồn thủy sản nước lợ cũng khá đa dạng. Trong đó có 17 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam ở các mức độ đe dọa khác nhau cần được bảo vệ.
Tỉnh Đồng Nai có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất là diện tích mặt nước lớn đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh hiện nay, môi trường nuôi trồng thủy sản đang bị suy thoái và có nhiều nguy cơ khó kiểm soát. Trong đó đáng chú ý là vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp. Cùng với đó là hoạt động nuôi trồng thủy sản không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản; tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra…
Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững, thời gian qua, Đồng Nai chú trọng triển khai hiệu quả nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Qua đó, góp phần phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo sản xuất, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái...
Tỉnh Đồng Nai xác định, quan trắc hiện trạng môi trường làm cơ sở cho công tác quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, kiểm soát mức độ ô nhiễm nguồn nước để có biện pháp ngăn chặn kịp thời chỉ đạo sản xuất thủy sản, nhất là các đối tượng nuôi chủ lực, vùng nuôi thủy sản tập trung. Thông qua các thông tin dự báo về diễn biến môi trường giúp người nuôi kiểm soát chất lượng nước nuôi thủy sản, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, phòng ngừa phát sinh dịch bệnh trên thủy sản nuôi, phát triển thủy sản bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.
Kết quả quan trắc kết hợp với những khuyến cáo về lịch thả giống sẽ giúp cho người nuôi nắm được diễn biến môi trường nước cấp, nhận biết các yếu tố môi trường bất lợi để giúp cho người nuôi có kế hoạch lấy nước vào ao, xử lý nước, thả giống và quản lý vùng nuôi thích hợp.
Ngành chức năng tỉnh Đồng Nai thực hiện quan trắc tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, có chung nguồn nước cấp, phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương; những nơi thường xảy ra dịch bệnh hoặc có nguy cơ ô nhiễm môi trường; vùng nuôi có diện tích từ 10 ha trở lên đối với nuôi thâm canh và bán thâm canh, từ 200 ha trở lên đối với hình thức nuôi khác, từ 1.000 m3 trở lên đối với nuôi lồng, bè.
Tỉnh Đồng Nai xác định quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản là nhiệm vụ quan trọng để kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh.
Cụ thể: Khu vực ngập mặn huyện Long Thành - Nhơn Trạch: Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản nước lợ là 1.669 ha, trong đó, khu vực tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú thâm canh là 333 ha (trong đó khoảng 120 ha nuôi tôm thẻ). Quan trắc tại các vị trí: Xã Phước An (hợp lưu sông Thị Vải, sông Đồng Kho, sông Đồng Tranh, Tắc Nha Phương, Tắc Ông Trúc), xã Phước Thái, xã Long Phước (sông Thị Vải). Khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Cái, TP. Biên Hòa: Có số lượng lồng, bè, xổng nuôi tập trung dày (385 bè, 830 lồng), thường có nguy cơ ô nhiễm hữu cơ. Khu vực nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An thuộc huyện Vĩnh Cửu (các xã Mã Đà, thị trấn Vĩnh An); huyện Định Quán (các xã La Ngà, Phú Ngọc, Thanh Sơn, Ngọc Định): Lồng, bè nuôi tập trung (khoảng 1.125 lồng, bè), thường có nguy cơ ô nhiễm hữu cơ
Quan trắc môi trường khu vực cấp nước cho vùng nuôi tập trung các đối tượng chủ lực, có giá trị kinh tế như cá chép, cá lăng, cá rô phi, điêu hồng tại các thủy vực trọng điểm tại khu vực nuôi cá lồng bè sông Cái - TP. Biên Hòa; khu vực hồ Trị An - làng cá bè La Ngà - Định Quán; Quan trắc môi trường khu vực cấp nước cho vùng nuôi tôm thẻ, tôm sú, hào tại hai huyện Long Thành vả Nhơn Trạch. Quan trắc định kỳ được thực hiện với tần suất 02 lần/tháng tại các khu vực/vùng quan trắc.
Vào các tháng tập trung vụ nuôi, các tháng mưa lũ và các thời điểm nhạy cảm, giao mùa, hoặc khi môi trường, thời tiết có những diễn biến bất thường, tần suất lấy mẫu và chỉ tiêu quan trắc có thể thay đổi, tăng cường ở mỗi khu vực nhằm phục vụ cho công tác cảnh báo, xây dựng khung lịch mùa vụ, cơ cấu đối tượng nuôi và phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, trong những trường hợp đột xuất như khu vực nuôi xảy ra dịch bệnh hoặc chết hàng loạt, tần suất lấy mẫu có thể thay đổi nhằm phối hợp xác định nguyên nhân, hướng dẫn xử lý.
Để triển khai hiệu quả công tác trên, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản tại địa phương sau khi kế hoạch được phê duyệt. Thực hiện cập nhật các thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và phối hợp thông báo, cung cấp thông tin, dữ liệu đến các sở ngành, đơn vị có liên quan để phối hợp trong công tác phòng ngừa, ứng phó với các diễn biến bất thường môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường liên quan kịp thời thông báo diễn biến tình hình môi trường nuôi thủy sản đến người nuôi trồng thủy sản.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp cung cấp cho Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, UBND các huyện có liên quan các thông tin về kết quả quan trắc môi trường nước mặt tại các vị trí ảnh hưởng đến khu vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn để theo dõi, tuyên truyền và kịp thời khuyến cáo người dân có biện pháp ứng phó phù hợp.
UBND các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành và thành phố Biên Hòa: Tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo kết quả quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản. Xây dựng kế hoạch, bố trí cán bộ chuyên môn theo dõi, cập nhật diễn biến môi trường qua kết quả quan trắc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời tham gia các lớp nghiệp vụ do cơ quan chuyên ngành tổ chức...
Hoàng Nam
Bình luận