Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ tư, 03/07/2024 07:07
TMO - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An vừa thông báo kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước biển tại 4 bãi biển trên địa bàn, trong đó chất lượng môi trường nước tại các khu vực này đều trong giới hạn cho phép.
Thực hiện chương trình quan trắc, giám sát chất lượng nước biển mùa du lịch thuộc Chương trình quan trắc môi trường tỉnh Nghệ An năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện lấy mẫu nước tại 4 bãi biển Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai), Diễn Thành (huyện Diễn Châu), Cửa Lò (thị xã Cửa Lò) và Cửa Hội (cách bãi biển Cửa Lò khoảng 6 km về hướng Nam, là ranh giới tự nhiên của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) đợt 2 năm 2024 vào ngày 17/6 với 13 thông số giám sát gồm: Nhiệt độ, pH, ô-xy hòa tan (DO), độ đục, độ muối, chất rắn lơ lửng (TSS), amoni (NH4+), phosphat (PO43-), xyanua (CN-), asen (As), mangan (Mn), sắt (Fe) và coliforms (vi khuẩn trong nước). Quy chuẩn so sánh dựa trên QCVN 10-MT:2023/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.
Qua kết quả phân tích cho thấy, chất lượng môi trường nước biển tại bãi biển Quỳnh Phương hầu hết các thông số phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn. Ba thông số vượt quy chuẩn là: TSS vượt 1,04 lần; amoni (NH4+ - N) vượt 1,71 lần; sắt (Fe) vượt 1,472 lần.
Chất lượng môi trường nước biển tại bãi biển Diễn Thành hầu hết đều có các thông số phân tích nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn. Ba thông số vượt quy chuẩn là: TSS vượt 1,32 lần; amoni (NH4+ - N) vượt 2,41 lần; sắt (Fe) vượt 2 lần. Chất lượng môi trường nước biển tại bãi biển Cửa Lò và Cửa Hội cơ bản đạt yêu cầu với 12/13 giá trị thông số quan trắc đạt Quy chuẩn. Riêng amoni (NH4+ - N) vượt Quy chuẩn tại biển Cửa Lò, Cửa Hội lần lượt là 2,05 lần và 1,98 lần.
Cùng với công tác quan trắc, giám sát chất lượng việc triển khai các chiến dịch ra quân làm sạch bờ biển được địa phương này chú trọng triển khai.
Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cũng nêu rõ, tổng chất rắn lơ lửng TSS, amoni (NH4+ - N), sắt (Fe) vẫn có ghi nhận kết quả vượt Quy chuẩn nước biển trong những năm qua. Việc thay đổi quy chuẩn quốc gia áp dụng từ QCVN 10-MT:2015/BTNMT sang QCVN 10:2023/BTNMT từ tháng 9/2023 dẫn đến giới hạn thông số amoni quy định thấp hơn nên kết quả quan trắc có vượt quy chuẩn, mặc dù chất lượng nước biển ven bờ tại các bãi biển hiện tại không có biến đổi so với các năm trước.
Nghệ An có đường bờ biển dài hơn 82 km trải dài qua 5 huyện, thị xã ven biển gồm: Thị xã Cửa Lò, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Hoàng Mai. Bãi biển Quỳnh Phương nằm phía Đông Bắc của thị xã Hoàng Mai với chiều dài gần 3 km; bãi biển Diễn Thành có chiều dài khoảng hơn 4 km, thuộc địa phận xã Diễn Thành, một trong 8 xã bãi ngang, ven biển của huyện Diễn Châu.
Hai bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội là những điểm du lịch biển nổi tiếng, được mệnh danh là những bãi biển đẹp nhất nhì khu vực miền Trung. Đây là những bãi biển thu hút đông đảo du khách trong nước và du khách nước ngoài tìm về tắm biển, du lịch, nghỉ dưỡng trong những dịp hè, cao điểm mùa du lịch biển; tạo nên thế mạnh về phát triển du lịch biển của từng địa phương.
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch nhằm đưa Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học được bảo tồn, môi trường biển và hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên. Theo kế hoạch, tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên được nêu tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng được tăng cường…Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học được bảo tồn, môi trường biển và hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.
Với lợi thế về nguồn tài nguyên biển, tỉnh Nghệ An triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên đồng thời bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP với nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng, phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng; tạo nhận thức sâu sắc về cơ hội, thuận lợi, thách thức, cũng như tiềm năng, lợi thế của vùng biển Nghệ An để tạo đột phá phát triển bền vững.
Phân vùng sử dụng không gian biển; ưu tiên bố trí không gian biển. Phát triển kết cấu hạ tầng ven biển, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nền tảng. Phát huy vai trò trọng yếu của vận tải biển; phát triển các cảng biển tổng hợp, hạ tầng biển và các dịch vụ vận tải, kho bãi, logistic đa dạng, hiện đại. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển để tạo bước đột phá gắn với xây dựng và nâng cấp hệ thống công viên ven biển...
Ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học. Tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên biển, tài nguyên vùng bờ không qua áp dụng các công cụ quy hoạch, kế hoạch, chương trình quản lý tổng hợp. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định quốc tế về phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, thực thi có hiệu quả các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; ngăn chặn hiệu quả khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định...
Thực hiện bảo vệ môi trường biển, đảo; bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lực biển, đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều tra cơ bản biển và hải đảo; ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; xây dựng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.../.
Thu Anh
Bình luận