Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ hai, 20/02/2023 12:02
TMO - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện thị xã đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng đổ trộm rác thải, đốt rác thải, rác thải không được tập kết đúng nơi quy định.
Chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của ngành tài nguyên và môi trường thành phố, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, đánh giá công tác vệ sinh môi trường tại các quận, huyện, thị xã (công tác đấu thầu các gói thầu vệ sinh môi trường, công tác thu gom vận chuyển, năng lực của các nhà thầu, việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến vệ sinh môi trường, công tác kiểm tra thường xuyên của UBND các quận, huyện, thị xã), đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng đổ trộm rác thải, đốt rác thải, rác thải không được thường xuyên thu dọn và tập kết không đúng nơi quy định, phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và mỹ quan đô thị.
Các nhà thầu vệ sinh môi trường cần đầu tư xe thu gom tay ngang và các thùng rác tiên tiến, đảm bảo việc thu gom rác thuận tiện; lưu ý không để điểm chân rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị (ít nhất trong nội đô). Về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, cần nghiên cứu xây dựng các quy định về việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo phù hợp với thực tiễn (trước mắt ưu tiên việc phân lại rác thải nguy hại).
UBND thành phố giao Sở TN&MT triển khai hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Ảnh: CT
Đối với việc đầu tư các dự án nhà máy xử lý rác thành phố đã quyết định thu hồi, UBND thành phố đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị rà soát các nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch xử lý vận hành tại các khu xử lý chất thải, sớm nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án mới, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đáp ứng các yêu cầu của thành phố, trong đó nêu rõ hình thức, phương thức đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy hoạch được duyệt và tuân thủ các quy định hiện hành.
Đối với dự án Khu xử lý chất thải huyện Đông Anh và Dự án nhà máy xử lý và chế biến rác thải Phương Đình Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25/4/2014; báo cáo về đề xuất điều chỉnh quy hoạch, nâng công suất xử lý rác của Nhà đầu tư, trong đó báo cáo rõ tính khả thi điều chỉnh quy hoạch tại 2 khu xử lý chất thải rắn huyện Đông Anh và huyện Đan Phượng.
UBND thành phố yêu cầu Sở TN&MT tập trung tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống 04 sông trong nội đô. Ảnh: QD.
Về công tác bảo vệ môi trường nước, không khí, UBND thành phố yêu cầu Sở TN&MT tập trung tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các Đề án về môi trường nước, môi trường không khí (Đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống 04 sông trong nội đô (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét); Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2021-2025; sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải; Đề án bảo vệ môi trường làng nghề…); phối hợp với Sở Xây dựng đề xuất các giải pháp cụ thể, sớm báo cáo UBND Thành phố. Phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm, đảm bảo khí thải môi trường của các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố.
Năm 2023, thành phố sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn, bảo đảm chỉ tiêu 100% rác thải sinh hoạt trên địa bàn được thu gom, xử lý; hoàn thành Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), công suất 1.500 tấn/ngày và Dự án xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ), công suất 1.000 tấn/ngày; đưa vào vận hành ổn định Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phương Đình (huyện Đan Phượng) 240 tấn/ngày, Nhà máy Việt Hùng (huyện Đông Anh) 500 tấn/ngày. Tiếp đến, trong giai đoạn 2024-2025, thành phố sẽ triển khai xây dựng Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải; phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.
Hải Nam
Bình luận