Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ sáu, 21/04/2023 12:04
TMO - Doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải là một trong 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Ngoài việc tuân thủ các quy định, thực hiện kiểm kê khí nhà kính còn mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc kiểm kê khí nhà kính giúp doanh nghiệp hiểu rõ hoạt động kinh doanh của chính mình qua việc khảo sát, lựa chọn và tập hợp thông tin một cách có hệ thống. Việc doanh nghiệp phải đánh giá rủi ro liên quan đến tác động tiêu cực của khí nhà kính sẽ làm lộ diện các “điểm nóng” trong chuỗi giá trị của mình, giúp doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực giảm phát thải một cách phù hợp.
Có một cơ sở dữ liệu minh bạch cũng sẽ giúp có được chứng nhận khí nhà kính, là điều kiện cần thiết để đăng ký nhãn sinh thái, giúp cải thiện uy tín của doanh nghiệp, nâng cao lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp giảm phát thải đều có cơ hội tham gia thị trường carbon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế.
Rác thải là một trong năm nguồn phát thải khí nhà kính chính của Việt Nam với lượng phát thải khoảng 31.3 triệu tấn CO2tđ năm 2020. Đến năm 2030, dự kiến lượng khí thải từ lĩnh vực này sẽ tăng lên khoảng 40 triệu tấn CO2tđ nếu như không có hành động nào được thực hiện theo Kịch bản phát triển thông thường. Theo đánh giá, các hoạt động xử lý rác được tổ chức hiệu quả sẽ trực tiếp giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia.
Việc kiểm kê, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với các doanh nghiệp xử lý rác thải là nhiệm vụ quan trọng. Ảnh: BQN.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 1.322 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, bao gồm 381 lò đốt chất thải rắn, 37 dây chuyền sản xuất phân bón và 904 bãi chôn lấp. Các nguồn phát thải chính đến từ các bãi chôn lấp (50,3%) và từ việc xử lý nước thải là 43,2%. Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, mục tiêu đặt ra vào năm 2030 là giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực chất thải từ 46,3 triệu tấn CO2tđ xuống 29,4 triệu tấn CO2tđ (giảm 63% so với kịch bản phát triển thông thường) với sự hỗ trợ quốc tế.
Các biện pháp giảm thiểu bao gồm: Giảm chất thải rắn; tái chế chất thải rắn, phân hữu cơ, nhiên liệu từ rác thải; thu hồi và tận dụng khí thải bãi; chôn lấp để phát điện; đốt rác phát điện; các biện pháp xử lý nước thải khác. Để đạt được mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng trong lĩnh vực chất thải, cần có sự chung tay của người dân thông qua các chính sách tiếp cận, nhưng trước tiên, điều quan trọng là mỗi cơ sở phát thải cần phải biết được lượng phát thải và xây dựng được một kế hoạch giảm thải khí nhà kính cho mình.
Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Đây là một quyết định thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, nhưng cũng là một thách thức, đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả, sự đồng lòng của tất cả các bên liên quan.
Để thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính… Doanh nghiệp thuộc danh mục trong Quyết định 01, trong đó có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chất thải, phải thực hiện trách nhiệm cung cấp số liệu thông tin liên quan đến phục vụ kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê định kỳ 2 năm 1 lần từ 2024 trở đi. Đồng thời, xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn từ 2023 - 2025 phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
Từ năm 2024 trở đi, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chất thải sẽ tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ 2 năm một lần.
Ngoài ra, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Thông tư 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ TN&MT cũng đã ban hành Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải... Các quy định này đã tạo nền tảng quan trọng cho kế hoạch thực thi net zero của Việt Nam, bao gồm quy định các lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Từ năm 2024 trở đi, doanh nghiệp sẽ tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ 2 năm một lần, gửi UBND cấp tỉnh để thẩm định để gửi Bộ TN&MT. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2026 - 2030. Từ năm 2027, doanh nghiệp sẽ phải gửi báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến Bộ chủ quản và Bộ TN&MT. Đây là căn cứ để Nhà nước phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cũng như cập nhật, điều chỉnh danh mục cơ sở phát thải lớn 2 năm một lần. Do vậy, để triển khai thực hiện các quy định trên, các doanh nghiệp phải thực hiện công tác kiểm kê, đo đạc khí nhà kính trong hoạt động quản lý chất thải.
Thu Hà
Bình luận