Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ sáu, 29/12/2023 07:12
TMO - Trong bối cảnh phát triển mới thì việc tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ đóng vai trò quyết định đến phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững tại các địa phương trên cả nước.
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một loại vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên việc lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, việc đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc hại khi sử dụng đang được ưu tiên hơn. Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã ưu tiên thực hiện đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc hại; đồng thời rà soát, loại bỏ các thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Việc đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, dự báo trên thị trường thế giới, trong giai đoạn 2023 - 2028, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 15,9%. Trong năm 2023 đạt 6,7 tỷ USD và dự kiến năm 2028 sẽ đạt 13,9 tỷ USD. thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ tương đương với thị phần thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong năm 2040 - 2050.
Hiện nay lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình giảm từ 3,81 kg/ha năm 2020 xuống 3,19 kg/ha năm 2023. Trong đó lượng thuốc sinh học sử dụng tăng từ 16,67% năm 2021 lên 18,49% năm 2023. Từ năm 2020-2023, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên cả nước tăng từ 768 lên 810 tên thương phẩm được phép sử dụng. Về xuất khẩu, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học xuất khẩu hàng năm của nước ta trung bình 600 tấn/năm, chiểm khoảng 5% so tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu là Đài Loan, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản...; trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia chiếm tỷ lệ 51,4% và Đài Loan 32,9%. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhập khẩu hằng năm của nước ta trung bình 18.000 - 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 15 - 20% so tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu. Nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, EU, ASEAN…
Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn góp phần hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa).
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Đề án phát triển sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2023, tầm nhìn 2050. Cục Bảo vệ thực vật đã rất nỗ lực trong 2 năm vừa qua để hoàn thiện Đề án trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong đó đã cụ thể hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để làm sao trong thời gian tới chúng ta hướng tới được một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, đặc biệt thực hiện được các mục tiêu mà Đề án đã đề ra,
Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, sử dụng thuốc BVTV hóa học gây ra những hậu quả xấu về an toàn thực phẩm, môi trường, đa dạng sinh học, hiện tượng kháng thuốc và bùng phát dịch hại… Giải pháp sử dụng các biện pháp sinh học và thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học là xu thế tất yếu, phù hợp với chiến lược IPM, tăng trưởng xanh và đạt được sự đồng thuận cao của các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, việc phát triển thuốc BVTV sinh học vẫn gặp một số rào cản như: Hiệu lực chậm, thấp hơn và không ổn định, chuyên tính hẹp, không phong phú về chủng loại, thời gian bảo quản ngắn, dễ bị ảnh hưởng của môi trường, dễ bị lẫn tạp, sử dụng khó. Không những vậy, chi phí sử dụng thuốc cao, thói quen sử dụng thuốc BVTV hóa học của người dân, quy định về đăng ký tại nhiều nước còn bất cập…
Tháo gỡ rào cản trong phát triển thuốc BVTV sinh học là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Trên cơ sở đó, quản lý thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam cần theo 3 hướng chính: Sản xuất trong nước; nhập khẩu từ nước ngoài; sản xuất quy mô nông hộ, trang trại, HTX để sử dụng. Các chính sách lớn cần tập trung thực hiện gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết về sử dụng có trách nhiệm thuốc BVTV. Tiếp thu, chọn lọc kinh nghiệm của thế giới để bổ sung, hoàn thiện và thực thi hiệu quả các quy định về quản lý thuốc BVTV. Đào tạo nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, nghiên cứu, khuyến nông về thuốc BVTV sinh học). Xây dựng mạng lưới các trung tâm, viện, trường, phòng thí nghiệm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sản xuất và sử dụng thuốc sinh học. Đồng thời có chính sách tài chính cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cung ứng thuốc BVTV sinh học.
Đổi mới công tác đăng ký, quản lý thuốc BVTV nhằm tạo động lực và quản lý hiệu quả hơn, hài hòa với quy định của các nước tiên tiến. Cập nhật, cụ thể hóa khái niệm thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam, bổ sung quy định đối với một số sản phẩm sinh học mới. Ban hành danh mục các thuốc BVTV sinh học có độ rủi ro thấp (thuốc vi sinh, pheromones…) được ưu tiên và đơn giản hóa thủ tục đăng ký.
Ngoài ra, cần loại bỏ một số yêu cầu về số liệu thử nghiệm đối với các thuốc sinh học rủi ro thấp; quy định về các trường hợp thuốc BVTV được ưu tiên đăng ký đặc cách. Tăng thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV sinh học lên 10-15 năm, thay cho 5 năm hiện nay. Bổ sung quy định chỉ cho phép thuốc BVTV sinh học được bán hàng online và đổi mới quy định ghi nhãn thuốc BVTV sinh học…
Hồng Nhung
Bình luận