Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ ba, 16/07/2024 07:07
TMO - UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các đơn vị chức năng của tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm, ngăn ngừa, ứng phó sự cố môi trường, không để phát sinh các "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân.
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre có nhiều chuyển biến tích cực; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, qua kết quả phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa đáp ứng yêu cầu, đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác tập trung; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa nghiêm, chưa thực hiện tốt công tác xử lý chất thải. Tình trạng ô nhiễm không khí do khói thải từ hoạt động sản xuất than thiêu kết chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm; chất thải từ hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,... chưa được xử lý tốt. Một số tuyến kênh, rạch trong nội ô thành phố Bến Tre, thị trấn các huyện đang dần bị ô nhiễm do rác thải, nước thải sinh hoạt; kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ môi trường;...
Mới đây nhất, ngày 11/7, khoảng 29 người dân ở xã An Đức và An Hiệp, huyện Ba Tri đã chặn xe chở rác không cho đi vào bãi rác An Hiệp với lý do có mùi hôi phát sinh gây ảnh hưởng đến các hộ dân sống gần bãi rác. Công an tỉnh, Sở TN&MT và UBND huyện Ba Tri đã tiếp xúc, đối thoại và vận động người dân chấp thuận cho xe chở rác vào bãi rác. Các đơn vị chức năng cũng đã triển khai các biện pháp cụ thể để hạn chế thấp nhất mùi hôi phát sinh và khuếch tán ra bên ngoài khuôn viên bãi rác.
Công nhân thi công hố rác mới tại bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri. Ảnh: PH.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần nâng cao Chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của tỉnh (PEPI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI),... UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vấn đề trọng điểm, cấp bách về môi trường:
Ban hành kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đảm bảo đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tham mưu thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre; giải pháp, phương án kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm tại bãi rác tập trung ở các huyện trong thời gian chờ Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre đi vào hoạt động; ban hành Quyết định quy định mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp thực tiễn, đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt kiểm soát các nguồn ô nhiễm, ngăn ngừa, ứng phó sự cố môi trường, không để phát sinh các "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản,... trọng tâm là các cơ sở có nguồn thải với lưu lượng lớn, có yếu tố nhạy cảm về môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện thanh tra, kiểm tra (theo kế hoạch hoặc đột xuất) việc thực hiện cấp Giấy phép môi trường, thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với UBND các huyện, thành phố.
Đa dạng hóa nội dung, hình thức truyền thông, phổ biến pháp luật để nhân dân nhận thức rõ bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân; mỗi người dân tự giác, ý thức giảm thiểu xả thải ra môi trường, phân loại rác tại nguồn, đăng ký dịch vụ thu gom, xử lý rác đúng quy định, sử dụng các vật liệu truyền thống, thay thế các sản phẩm bao bì từ nhựa, các vật liệu khó phân hủy khác và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống.
Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định và thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích đầu tư về thoát nước và xử lý nước thải đô thị phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tiếp tục quan tâm mời gọi đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở thành phố Bến Tre và các đô thị loại 3.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu triển khai và thực hiện tốt các văn bản pháp luật, đề án, chiến lược, kế hoạch, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; phối hợp, hướng dẫn thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản, chất thải nhựa,… trong hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và hoạt động kinh doanh, buôn bán hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật.
Chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và các địa phương nạo vét các kênh, rạch, công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền để khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết số 30/2020/NQHĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Sở Công Thương chủ trì, tham mưu triển khai và thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường của ngành công thương trên địa bàn tỉnh. Chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn thải từ hoạt động công nghiệp (điện mặt trời, chất thải điện tử,…), hoạt động thương mại (dịch chuyển các công nghệ cũ, lạc hậu, nhập khẩu phế liệu,...), an toàn hóa chất,… hạn chế các rủi ro, sự cố môi trường.
Triển khai các mô hình, giải pháp kỹ thuật của ngành về tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, về thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đưa các sản phẩm truyền thống của tỉnh được sản xuất từ các vật liệu thân thiện với môi trường vào các siêu thị, trung tâm thương mại,…; khuyến khích các siêu thị, chợ dân sinh sử dụng túi, bao bì dễ phân hủy thay thế túi nilon khó phân hủy…
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải và khí thải than thiêu kết; tăng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài. Tăng cường vai trò điều phối, phân bổ nguồn lực đầu tư, chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước; các nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường được ưu tiên đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo vệ môi trường; thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành ngành công nghiệp môi trường, cung ứng dịch vụ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”.
Đối với công tác cán bộ, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo ngành chức năng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Thông qua đó, giúp đội ngũ này kịp thời nắm rõ được những quy định, hướng dẫn mới của pháp luật về bảo vệ môi trường để nhằm từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả tham mưu ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát đảm bảo việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường đối với những dự án đã đi vào hoạt động, trước hết là các dự án có nguồn thải lớn, các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; giúp thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội; huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư trong việc tham gia quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Bến Tre sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng; tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung nguồn lực phát triển công nghệ giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương như xử lý khí thải than thiêu kết, xử lý rác thải, nước thải,... nhằm sớm mang lại hiệu quả thiết thực.
Riêng với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, sẽ khẩn trương thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, chậm nhất đến quý I/2026 đi vào hoạt động trở lại, giải quyết dứt điểm các vấn đề về rác thải của tỉnh trong thời gian qua. Cạnh đó, xử lý ô nhiễm môi trường, cải tạo hoặc đóng cửa các bãi rác chôn lấp rác thải cấp huyện đã quá tải. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn xã hội hóa nhằm đáp ứng lộ trình triển khai phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Ngọc Hà
Bình luận