Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ ba, 04/04/2023 21:04
TMO - Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy, khi diện tích đất cây xanh đạt 25 – khoảng 50% diện tích đất đô thị thì nhiệt độ không khí có thể giảm từ khoảng trên 3 độ C. Do đó, cây xanh đóng vai trò quan trọng trong điều hòa không khí, khí hậu.
Theo các chuyên gia, hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm 17 - 57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40 - 50% cường độ bức xạ mặt trời. Đặc biệt, cây xanh đô thị có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30 - 60%. Trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000 kg CO2 và thải ra 730 kg O2 mỗi ngày.
Trong những năm gần đây, nhiều khu đô thị đã và đang được xây dựng mới; tuy nhiên, phần lớn các khu đô thị mới này còn thiếu diện tích cây xanh theo quy chuẩn thiết kế. Bên cạnh đó, diện tích cây xanh, mặt nước chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, thậm chí nhiều nơi còn bị lấn chiếm, thu hẹp. Trên thực tế, số liệu về không gian cây xanh đô thị ở Việt Nam chưa được thống kê đầy đủ (trừ hai đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM.
(Ảnh minh hoạ)
Theo các chuyên gia, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các TP hiện đại trên thế giới từ 20 – 25m2. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới.
Cho đến nay, tổng diện tích đất cây xanh đô thị theo quy hoạch khoảng trên 70.000 ha, chiếm tỷ lệ hơn 1,2% diện tích đất xây dựng đô thị, đây là một con số rất nhỏ. Đất dành cho cây xanh đã eo hẹp, còn dành cho giao thông cũng đang quá thấp, hầu hết mới chỉ đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị, trong khi đó tỷ lệ này phải đạt khoảng 20 - 26%. Mật độ đường giao thông thấp và phân bổ không đều, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 2 – 4km/km2, trong khi chỉ tiêu quy định từ 4 - 6km/km2.
Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp phát triển hạ tầng xanh an toàn và bền vững là vô cùng cần thiết đối với các đô thị trong giai đoạn hiện nay, cần được đối xử như một thành phần quan trọng trong quy hoạch đô thị. Phát triển hạ tầng đô thị xanh là mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật (gồm giao thông, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải…) và công trình hạ tầng xã hội (gồm công viên, cây xanh…) trong đô thị theo hướng xanh, an toàn, bền vững.
Phạm Yến
Bình luận