Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 11:11
Thứ năm, 31/03/2022 21:03
TMO - Khoa học công nghệ được coi là cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân ở Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến hết năm 2021, trên địa bàn thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; trong đó, công nghệ cao, thông minh được sử dụng chủ yếu trong việc quản lý, điều phối các công đoạn sản xuất….
Với lĩnh vực trồng trọt có thể kể tới những ứng dụng trồng hoa lan, trồng nấm trong phòng lạnh... Trong chăn nuôi là xây dựng chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi; xây dựng dây chuyền cho gia súc, gia cầm ăn, uống tự động; sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo... Trong thủy sản là ứng dụng công nghệ "sông trong ao", sử dụng chế phẩm sinh học, máy tạo ô xy tự động...
Mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng tại các huyện Thanh Oai, Đan Phượng...
Dù đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nhìn nhận tổng thể, việc tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu chọn tạo giống, tổ chức sản xuất, nuôi trồng đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm còn chưa nhiều.
Nguyên nhân chính là các hộ sản xuất, hợp tác xã, trang trại... trên địa bàn thành phố còn khó khăn về tài chính, thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ... Trong khi đó, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, thiếu hấp dẫn.
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở Hà Nội đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết về phát triển một nền nông nghiệp vừa có tính chất đô thị, vừa tiệm cận công nghệ phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là xu hướng toàn cầu, phát triển nông nghiệp thông minh là tất yếu. Do đó, Nhà nước cần có chương trình khuyến khích chuyển đổi số trong nông nghiệp qua việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ; tập huấn kỹ năng, trang thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số; quản trị sản phẩm, quản trị doanh nghiệp cho nông dân, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp.
Để khoa học công nghệ đến với nông dân, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND về phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 với những hỗ trợ cụ thể khi các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư cơ giới hóa sản xuất.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương lồng ghép chương trình đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông dân qua nhiều hình thức. Đồng thời, thông qua các chương trình tái cơ cấu nông nghiệp xây dựng vùng chuyển đổi để tạo nguồn vốn, đưa máy móc giúp nông dân tiếp cận công nghệ sản xuất tự động…
Thanh Thùy
Bình luận