Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ bảy, 05/02/2022 23:02
TMO - Thời gian qua, KHCN góp phần giúp sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước, đưa Việt Nam tiếp tục trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản. Khoa học và công nghệ đã đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Nhiều chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được triển khai phát triển nông nghiệp, đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Theo đó, cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng,vật nuôi. Trong giai đoạn 2013-2021, Bộ NG&PTNT đã công nhận 529 giống mới (393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản, 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi).
Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ngày càng được nhân rộng như các hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động; ứng dụng công nghệ Bigdata, IoT, AI trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng, vật nuôi, công nghệ tưới tiết kiệm; ứng dụng canh tác không dùng đất như thủy canh, trồng cây trên giá thể.
Ứng dụng công nghệ nhà màng trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường
Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học và công nghệ rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: tôm, cá tra… là động lực để nhiều doanh nghiệp sẵn sàng “dốc hầu bao’’ đầu tư công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực.
Đi đầu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải kể đến tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, với 60.200 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt 20% diện tích canh tác, tỉnh hình thành 19 vùng nông nghiệp. Toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô canh tác trên 286 ha chủ yếu là rau, hoa và khoảng hơn 3.200 con bò sữa; 31 hợp tác xã, 59 trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Nhiều diện tích sản xuất đã cho doanh thu 500 triệu đồng đến hai tỷ đồng/ha, cá biệt có nơi đạt từ tám tỷ đến 24 tỷ đồng/ha.
Tỉnh Lâm Đồng triển khai hệ thống nhà kính trong trồng hoa
Tại Bến Tre, việc ứng dụng khoa học và công nghệ đã giúp nhiều sản phẩm dừa của tỉnh tăng giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Hiện, tỉnh có khoảng 182 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động đa dạng. Một số ngành chính như chế biến vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa chiếm 28,52% tổng số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động
Tỉnh Bến Tre ứng dụng công nghệ trong xe chỉ xơ dừa
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây cũng là một trong những bước đi quan trọng của tỉnh Tiền Giang. Tỉnh có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, trọng điểm là cây ăn trái. Do vậy, việc lựa chọn chiến lược đầu tư và thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây là hướng đi phù hợp và được triển khai thực hiện nhiều năm qua. Đến nay, Tiền Giang có khoảng 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động, với công suất hơn 47.000 tấn/năm.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản. Nhiều nông sản Việt Nam đã có mặt trên các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất.
Trong giai đoạn 2021-2030, Bộ KH&CN và Bộ NG&PTNT đã thống nhất ưu tiên thực hiện hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương. Đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản, đẩy mạnh chuyển đổi số… để tạo nên những đột phá về chất lượng.
M Ngọc
Bình luận