Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ ba, 04/10/2022 04:10
TMO - Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã đề xuất được các giải pháp khoa học công nghệ tổng hợp, đặc thù, phục vụ tái cơ cấu ngành, thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp thông qua việc hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình kỹ thuật, giải pháp công nghệ, cung cấp trang thiết bị trong các mô hình có hiệu quả cao.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ. Chương trình được triển khai liên tục, có tính kế thừa từ năm 2011 đến năm 2021, qua 2 giai đoạn. Giai đoạn I (2011 - 2015, kéo dài đến 2017) thực hiện theo Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012; Giai đoạn II (2016 - 2020, kéo dài đến 6/2022), thực hiện theo Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 12/1/2017.
Chương trình đã xây dựng được 208 mô hình, trong đó có 131 mô hình sản xuất và liên kết, 77 mô hình quản lý, môi trường, du lịch trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Số sản phẩm mới là 339 sản phẩm, số kiến nghị, giải pháp, chính sách đã đề xuất là 160.
Trong đó ở giai đoạn 2 (2016-2021), cả nước xây dựng, tuyển chọn 84 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 5 nhóm nội dung lớn với tổng kinh phí thực hiện là gần 586 tỷ đồng. Nổi bật là ứng dụng cơ giới hóa trên 100% diện tích làm đất, thu hoạch, tưới nước trồng lúa; 60% diện tích cấy lúa được cơ giới hóa; Áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên 19,9% diện tích cây ăn trái; 63,2% diện tích rau màu…
Chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung… Trong lĩnh vực trồng trọt, khoa học công nghệ đã giúp tăng năng suất cây trồng 30 - 35% đối với rau màu, 10 - 15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 – 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất.
Khoa học công nghệ tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại các địa phương
Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng. Các giống lợn lai có khả năng thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Một số giống bò thịt lai 1/2 hoặc 3/4 máu ngoại giúp tăng năng suất và hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi các giống gà thả vườn, gà đồi, nuôi vịt siêu trứng, vịt siêu thịt, ngan pháp...
Đối với nhiệm vụ Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2025, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết các đề tài, dự án triển khai sẽ thực hiện bám sát chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”...góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và 6 chương trình chuyên đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021-2025, theo hướng phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.
Vừa qua, Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.Chương trình nhằm cung cấp kịp thời những luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 thông qua tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ đa ngành; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; thúc đẩy liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%
Chương trình đặt mục tiêu xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền (đặc biệt là tại các vùng khó khăn, vùng biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa đạt chuẩn nông thôn mới) trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương.
Chương trình cũng đề ra một số chỉ tiêu và sản phẩm: Các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng.
Tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư.
Tối thiểu 25% mô hình triển khai trong Chương trình được thực hiện ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt được các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
PV
Bình luận