Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ năm, 25/11/2021 13:11
TMO - Những ai đến vùng Tây Nguyên, ngang qua những vùng sâu, vùng xa thỉnh thoảng sẽ bắt gặp những ngôi nhà sàn nho nhỏ xinh xinh nằm lẻ loi cách biệt rải rác đó đây. Có người ngạc nhiên bảo: “Ơ, sao nhà cửa gì mà nhỏ bé thế! Sao mà ở cách xa, heo hút thế!”.
Thưa, đó không phải nhà ở, mà là những nhà kho, nơi cất giữ lúa, bắp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ làm để chuẩn bị chứa lúa, bắp sắp sửa vào mùa thu hoạch đấy. Lại ngạc nhiên hỏi: “Kho lẫm thế này thì mất trộm làm sao biết?”. Lại thưa, không bao giờ mất!
Kho lúa được dựng cách xa buôn làng
Thật vậy, không bao giờ mất, trừ phi có kẻ gian manh mò mẫm, lởn vởn từ nơi khác đến. Đồng bào Tây Nguyên có cách cất giữ lúa, bắp đặc biệt như thế đấy. Họ không cho vào bồ, vào thùng, vào cót rồi giấu kỹ trong kho lẫm như người miền xuôi, mà làm hẳn một túp lều nho nhỏ cách xa nơi ở, thường là ven rìa làng, cũng có khi ở ngoài nương rẫy, giữa đồng ruộng, dọc đường đi hay ven mé rừng… Nếu gần nhất thì cũng ở chỗ cách nhà một khoảng nào đó đủ… an toàn. Mỗi tộc người có tên gọi riêng cho kiểu nhà kho này, nhưng từ dùng chung nhất là “kho lúa”, “xum lúa”.
Sở dĩ có cái cách cất giữ xem ra như… “không cất giữ gì cả” như vậy là vì theo cách giải thích của bà con là để đề phòng lúa, bắp, kê, đậu bị vạ lây mỗi khi chẳng may buôn làng xảy ra hỏa hoạn. Ấy cũng là do môi trường và điều kiện sinh sống khó khăn, nhà cửa trong làng đều làm toàn tranh tre nứa lá, cộng thêm tập quán ngàn đời nhà nào cũng luôn ủ lửa suốt ngày đêm trong bếp; nếu chẳng may có sự cố xảy ra trong khi mọi người đang ở hết trên nương rẫy thì làm sao trở tay cho kịp! Cái làng, cái nhà lỡ có cháy đi thì còn làm lại được, chứ cháy lúa, cháy bắp thì hết cái ăn, sẽ đói và khổ cho đến mùa thu hoạch năm sau.
Người dân làng Prép, xã Ia Phí (Gia Lai) vẫn còn giữ truyền thống làm kho thóc của gia đình mình.
Từ chỗ đề phòng “cẩn trọng” như vậy nên thường mỗi kho lúa đứng thoi loi một mình, nhiều lắm thì cũng chỉ vài ba cái gần nhau mà thôi, rất ít khi có số lượng nhiều kho tụm tụ một chỗ. Thế nên, từ năm 1934, người ta đã đọc được trong loạt bài khảo cứu về Tây Nguyên của tác giả Võ Chuẩn (làm quan Quản đạo tỉnh Kon Tum) in trên Nam Phong tạp chí thế này: “Thỉnh thoảng đi giữa đường có chỗ thấy từng xóm nhà nhỏ nhỏ cao chân, tứ phía kín mít, ấy là những kho người Thượng để lúa, mỗi người một cái, hoặc mỗi nhà một cái, không ai chung với ai, không ai lấy của ai”. Vâng, với bà con thì không ai lấy của ai bao giờ! Thế cho nên trong sách công trình khảo cứu dân tộc học “Mọi Kon Tum” của hai anh em tác giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi viết cách nay đã trên 80 năm cũng cho rằng những nét nhân văn như vậy của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là điều đáng để cho các tộc người khác suy ngẫm.
Tùy sự ước lượng sản lượng thu hoạch được của từng gia đình, từng cá nhân vào mùa năm ấy mà họ làm kho lúa to hay nhỏ. Tuy nhiên, bình quân diện tích nền sàn mỗi kho cũng chỉ chừng trên dưới 4-5 m2. Kho được làm kiểu nhà sàn, có 4 hoặc 6 chân cột dựng cao cách mặt đất chừng trên dưới 1,5 m, cao ráo, thoáng đãng. Hai mái bẻ nóc, lợp tranh săn bện dày hoặc bằng tôn mỏng; sàn trải lót 2 lớp tấm lồ ô đập dập, một lớp đặt dọc, một lớp lót ngang, rất kín kẽ cho lúa, bắp không rớt xuống đất. Vách thưng kín cũng bằng phên lồ ô đập dập hoặc quây tôn kẽm mỏng; chỉ có một cánh cửa duy nhất đủ một người chui ra chui vào làm bằng phên tre nứa hay gỗ tạp xẻ mỏng đơn sơ, không khóa chốt, chỉ để khép vào mở ra mỗi khi lấy lúa, quá lắm thì cửa được móc đóng bằng một then tre hay một đoạn dây kẽm để phòng gió làm tung bật. Nhìn chung, chất liệu và “kỹ thuật kiến trúc” trên đảm bảo cho nông sản trong kho không bị mưa nắng làm hư hại, không bị chim thú, trâu bò, heo gà moi phá là được, nhưng hoàn toàn không có bất cứ một kiểu “thiết bị” nào để phòng chống… con người! Là cũng bởi bản chất bà con là “không ai lấy của ai” như tác giả Võ Chuẩn đã viết.
Dựng kho lúa là phần việc của cánh đàn ông vào thời điểm các công đoạn trồng trỉa đã xong đang chờ ngày thu hoạch. Và khi lúa, bắp, kê, đậu được thu hoạch xong, đã mang về làm lễ nhập kho rồi thì đến phần việc của cánh phụ nữ. Phụ nữ chính là người trông coi, quản lý kho lúa và thực hiện công việc lấy dần lương thực từ kho mang về nhà xay, giã, giần, sàng để nấu nướng, chế biến phục vụ bữa ăn hàng ngày cho gia đình.
Nhưng những kho lẫm “giữa trời” ấy là chuyện của thời ngày xửa ngày xưa. Ngày nay, những kho lúa nho nhỏ xinh xắn nơi ven làng, ven đường, ven rừng, ven ruộng không còn được dùng nhiều, tuy nhiên ta vẫn có thể bắt gặp, trải nghiệm những công trình kiến trúc độc đáo này ở nhiều nơi trên mảnh đất Tây Nguyên.
Văn Sỹ
Bình luận