Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 07:01
Thứ hai, 22/11/2021 21:11
TMO - Khi biết tôi có ý định muốn lên tác nghiệp tại thôn xa và đặc biệt nhất xã, đứng ở trụ sở UBND xã Phìn Ngan, anh Chảo Láo Tả, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Ngan chỉ tay lên phía đỉnh núi cao vút chìm trong mây phủ bảo ở đây chỉ có Láo Vàng là đặc biệt nhất. Anh cứ đi theo con đường bê tông kia, qua nhà máy thủy điện rồi ngược dốc đi tiếp vào tít phía trong là đến Láo Vàng. Đó là thôn cuối cùng của xã, giáp với xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) và xã Pa Cheo (huyện Bát Xát).
Toàn cảnh Láo Vàng.
Theo chỉ dẫn của anh Tả, tôi phóng xe máy vào Láo Vàng. Quả thực, chặng đường vào thôn Láo Vàng khá xa, đi mãi vẫn chỉ thấy rừng núi, thi thoảng mới có nhà dân. Ấn tượng nhất là đoạn đường qua đập thủy điện Phìn Ngan và đoạn đường phía trên chênh vênh bám vào sườn núi, dưới là vực sâu, nhìn sang phía bên kia là thôn Trung Chải với quần thể ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Vượt chặng đường 12 km, khi đến trung tâm thôn, nhà cửa đông vui hơn. Ở đây, bên cạnh những ngôi nhà gỗ truyền thống của người Dao còn có cả những ngôi nhà mới xây khang trang. Vậy Láo Vàng có gì đặc biệt mà đời sống bà con khá giả vậy? Phải chăng người ta gọi Láo Vàng vì ở đó có mỏ vàng to? Câu hỏi ấy cứ khiến tôi băn khoăn muốn tìm câu trả lời.
Gặp mấy người dân bên đường, tôi phấn chấn hỏi vào nhà Trưởng thôn Chảo Duần Phấu. Mấy chị người Dao nhìn tôi từ đầu đến chân như “người ngoài hình tinh” rồi bảo đây là Láo Vàng, còn nhà Trưởng thôn Phấu ở tận trong xóm Khú Trù, gần rừng già cơ. Hóa ra từ năm 2019, xã sáp nhập 2 thôn Láo Vàng và Khú Trù, lấy tên Láo Vàng, vì thôn cũ dân số đông hơn. Thật may mắn cho tôi, đoạn đường 2 km từ Láo Vàng vào Khú Trù được đổ bê tông năm 2020, chứ đoạn đường quá dốc, nếu còn là đường đất thì quá gian nan.
Từ đường bê tông phía cuối xóm Khú Trù, tôi phải đi thêm đoạn đường đất đá hơn 500m và rẽ vào đoạn đường đất nhỏ lầy lội mới tới nhà trưởng thôn. Anh Chảo Duần Phấu, sinh năm 1982 nhưng đã có 16 năm làm Trưởng thôn Khú Trù và 2 năm làm Trưởng thôn Láo Vàng. Nghe tôi hỏi tình hình của thôn, anh chia sẻ: Thôn Láo Vàng hiện có hơn 90 hộ, đều là người Dao đỏ. Tuy là thôn cao và xa nhất xã nhưng Láo Vàng chỉ còn 14 hộ nghèo và là thôn nông thôn mới. Trước đây, khi chưa sáp nhập 2 thôn thì Khú Trù là thôn xa nhất, ô tô chưa tới được, cuộc sống của bà con rất vất vả. Đến năm 2020, người Dao ở Khú Trù phấn khởi vì có đường bê tông. Bây giờ bà con chỉ mong sớm hoàn thành 500 m đường nữa và công trình cấp điện lưới quốc gia sớm thi công xong để đưa ánh sáng về thôn.
Thôn xa nhất nhưng giàu nhất
Theo Trưởng thôn Chảo Duần Phấu, điều đặc biệt nhất ở Láo Vàng đó là dù ở nơi xa xôi, khó khăn nhất xã, nhưng đồng bào Dao đỏ rất năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi làm ăn, không cam chịu cuộc sống đói nghèo. Điều đó đã giúp Láo Vàng trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Phìn Ngan, hơn cả một số thôn vùng thấp của xã.
Minh chứng cho những gì mình nói, anh Phấu bảo bây giờ đã hết vụ gặt lúa và thu ngô, anh cứ vào nhà bà con xem, ngô lúa xếp đầy nhà, ăn cả năm không hết. Có hộ thu hoạch 4 - 5 tấn thóc mỗi năm, như các ông Chảo Duần Vảng, Vàng Thông Sinh, Vàng Láo Ú… hộ nào ít cũng có 2 tấn thóc. Thế mạnh của Láo Vàng còn là chăn nuôi đại gia súc, trung bình mỗi hộ có 2 con trâu, bò. Gần đây, khi huyện Bát Xát triển khai dự án nuôi ngựa theo mô hình bán chăn thả, nhiều hộ đăng ký vay tiền mua ngựa, nên đàn ngựa của thôn từ 8 con đã tăng lên 26 con. Điều đáng nói là một số hộ không chờ khi có tiền vay từ dự án mới mua ngựa, mà bà con đã chủ động vay tạm người thân để mua ngựa trước, “đón đầu” dự án, như ông Vàng Láo San 8 con, Vàng Láo Lở 4 con, Vàng Chằn Mìn 4 con, Vàng Thông Vầy 5 con...
“Ngựa là loài chịu lạnh tốt, ít bệnh tật, sinh sản nhanh, phù hợp với khí hậu ở Láo Vàng. Hiện bà con đang trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn ổn định cho đàn trâu, đàn ngựa, chỉ vài năm nữa sẽ có nhiều hộ giàu lên từ mô hình này. Năm 2021, chắc chắn thôn sẽ hoàn thành mục tiêu giảm thêm 5 hộ nghèo”, anh Phấu khẳng định.
Sấy ngô sau thu hoạch.
Khai thác “mỏ vàng” trên đỉnh núi
Cũng trong câu chuyện phát triển kinh tế của người Dao đỏ ở Láo Vàng, điều khiến tôi nể phục là sự đổi thay trong tư duy, tích cực học hỏi cái mới, dám nghĩ, dám làm của nhiều hộ ở đây. Tuy là thôn xa nhất và nằm ở trên đỉnh núi cao nhất xã Phìn Ngan nhưng chính điều đó đã giúp Láo Vàng có được lợi thế về nguồn nước sạch từ rừng già để nuôi cá nước lạnh. Từ năm 2016, một số hộ đã mạnh dạn lên thượng nguồn suối Láo Vàng đào ao nuôi cá hồi, cá tầm, mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới.
Từ Khú Trù, vượt qua đoạn đường đất lầy lội lên đỉnh núi mất hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đến được trại nuôi cá nước lạnh của một số hộ. Ai lên đây lần đầu mới thấy khâm phục người Dao ở Láo Vàng. Nếu không có ý chí quyết tâm và tầm nhìn xa thì chẳng ai chấp nhận vất vả lên ở giữa rừng núi hoang vu để nuôi loài cá mà chưa biết có thành công hay không.
Anh Vàng Láo Sử A, chủ nhân của 5 ao cá hồi, cá tầm, trong đó có hàng nghìn con cá hồi, cá tầm khoảng 1,5 kg cho biết: Ngày đầu tôi lên đây đào ao nuôi cá, ai cũng bảo chỉ đổ công, đổ tiền xuống suối mà thôi. Vì đã vượt núi sang tận Bản Khoang, Tả Giàng Phìn (Sa Pa) tìm hiểu kỹ mô hình nuôi cá nước lạnh của người Dao bên đó nên tôi vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình. Tuy năm đầu nuôi 1 ao cá thắng lợi, nhưng đến năm sau tôi mua phải giống cá không đảm bảo, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Không nản chí, tôi tiếp tục đào thêm ao nuôi cá và vụ cá năm 2019 thắng lớn khi giá cá hồi lên tới 210.000 đồng/kg, lãi hơn 300 triệu đồng. 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá cá hồi sụt giảm, tuy không lãi nhiều như trước nhưng vẫn có thu nhập cao. Sau này, khi đường thuận lợi, cùng với nuôi cá nước lạnh, tôi cũng nghĩ tới việc làm homestay phục vụ du khách đến đây tham quan, trải nghiệm, thưởng thức món cá hồi nướng thảo quả bên suối.
Không chỉ gia đình anh Vàng Láo Sử A mà dọc suối Láo Vàng có tới gần chục hộ đào ao nuôi cá nước lạnh, với tổng diện tích mặt nước khoảng 2.000 m2. Ông Vàng Chằn Vần cũng là một trong những người đầu tiên mạnh dạn lên núi Láo Vàng nuôi cá nước lạnh, hiện có khoảng 3.000 con cá, chia sẻ: Năm nay, tuyến đường đang mở mới từ xã Pa Cheo sang xã Phìn Ngan đi qua đầu nguồn suối Láo Vàng làm nguồn nước bị đục, nên các hộ nuôi cá ít đi. Thời gian tới, khi tuyến đường làm xong, thôn Láo Vàng không còn là “thôn cụt”, ô tô của thương lái có thể lên tận nơi mua cá thì chắc chắn khát vọng làm giàu trên núi Láo Vàng sẽ trở thành hiện thực.
Đồng bào Dao đỏ ở Láo Vàng phát triển nghề nuôi cá nước lạnh.
Chiều muộn, trên đường từ trại cá hồi trên đỉnh núi Láo Vàng xuống trung tâm xã Phìn Ngan, tôi gặp những chiếc máy xúc đang khẩn trương san gạt để sớm hoàn thành tuyến đường mới. Nhìn xuống phía dưới là hồ thủy điện Láo Vàng nước trong xanh như ngọc, xung quanh là núi rừng hùng vĩ, ruộng bậc thang bát ngát đẹp chẳng khác gì khu vực Séo Mý Tỷ của Sa Pa. Rồi đây, khi tuyến đường nối từ xã Ngũ Chỉ Sơn của Sa Pa và xã Pa Cheo sang đây hoàn thành, thôn Láo Vàng với phong cảnh tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ, bản sắc độc đáo của người Dao chắc chắn sẽ trở thành điểm đến của du khách bốn phương.
Nhớ lại lúc nói chuyện với anh Vàng Láo Sử A bên suối, anh Sử bảo Láo Vàng theo từ địa phương có nghĩa là thôn của dòng họ Vàng, còn Khú Trù nghĩa là đồi vầu, chứ ở đây chẳng có mỏ vàng nào cả. Còn tôi thì nghĩ chính sự năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, cùng nguồn tài nguyên từ dòng suối, rừng già, khí hậu, phong cảnh chính là mỏ vàng quý giá nhất ở đỉnh núi này…
Tuấn Ngọc
Bình luận