Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 16:01
Thứ năm, 29/08/2024 07:08
TMO - Tỉnh Khánh Hòa sẽ phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong đó Cảng quốc tế Cam Ranh sẽ phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có các cảng biển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa chủ yếu gồm: Cảng Quốc tế Cam Ranh (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh), cảng Cam Ranh (phường Cam Linh, Cam Ranh), Cảng Bắc Vân Phong (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), Cảng Nam Vân Phong (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa). Các cảng này chủ yếu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng rời và nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
Khánh Hòa có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản, nhiều sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh đáp ứng thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường có yêu cầu cao, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Khánh Hòa có 3 vịnh lớn, với các cảng nước sâu tự nhiên, kín gió, là điều kiện lý tưởng để giúp nâng cao giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian sắp tới.
Các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đều định hướng tỉnh tập trung phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics theo hướng đa dạng. Trong Quyết định số 318 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng Khánh Hòa phát triển trung tâm dịch vụ logistics, nhất là trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong và TP. Cam Ranh.
Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 nhấn mạnh đến mục tiêu, địa phương này sẽ phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Khánh Hòa sẽ chú trọng phát triển các cảng tổng hợp, chuyên dùng cho tàu biển tải trọng lớn tại Vân Phong và Cam Ranh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cảng quốc tế Cam Ranh sẽ phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cũng như của cả nước và xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Khu kinh tế Vân Phong, có thể tiếp vận tàu container trọng tải tới 24.000 Teu.
Tỉnh Khánh Hòa kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án dịch vụ logistics theo quy hoạch được duyệt để phát triển kết cấu hạ tầng logistics, ứng dụng công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 còn góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của tỉnh Khánh Hòa.
Tỉnh Khánh Hòa hướng tới mục tiêu phát triển Cảng quốc tế Cam Ranh thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics, cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, đầu tư theo quy định của pháp luật chủ trì các hoạt động đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực trong lĩnh vực logistics; xây dựng danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phục vụ hoạt động logistics như trung tâm tiếp vận, cảng thủy nội địa, ga hàng hóa, cảng cạn, bến, bãi tập kết hàng hóa.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp có liên quan thực hiện công tác khảo sát, điều tra, thống kê, đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh lân cận (Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Phú Yên) để có cơ sở đánh giá, triển khai công tác kêu gọi doanh nghiệp cảng biển tại Khánh Hòa xem xét tính toán, làm việc với các hãng tàu đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển tại Khánh Hòa; nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động logistics; mời Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam làm việc với tỉnh về việc xây dựng Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) hàng năm…
Hiện nay, logistics được coi là một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ cho hoạt động lưu thông hàng hoá trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ. Cảng quốc tế Cam Ranh sở hữu hơn 2.100m cầu cảng với độ sâu trung bình 20m, đủ năng lực tiếp nhận tàu sân bay, tàu quân sự, tàu hàng với trọng tải đến 110.000 tấn; tàu khách du lịch 5 sao đến 225.000 tấn; giàn khoan dầu khí có chiều chìm đến 200m nước và là cảng đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế cho phép neo đậu tàu an toàn trong điều kiện giông bão đến cấp 8.
Những năm gần đây, Cảng quốc tế Cam Ranh đã đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với khả năng tiếp nhận tàu biển đa dạng có trọng tải lớn và cung cấp các dịch vụ hậu cần kỹ thuật toàn diện, Cảng quốc tế Cam Ranh đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các hoạt động vận tải và logistics quốc tế. Đồng thời, dần khẳng định vai trò của một trung tâm cung ứng hậu cần kỹ thuật hàng đầu và là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng tại khu vực Đông Nam Á.
Từ khi đi vào hoạt động (ngày 8-3-2016), Cảng quốc tế Cam Ranh đã cung ứng dịch vụ hậu cần, kỹ thuật cho gần 1.000 tàu quốc tế và nội địa. Trong đó, có 100 tàu hải quân của 14 quốc gia cập cảng thực hiện các chuyến thăm chính thức, thăm xã giao Việt Nam cũng như ghé đậu kỹ thuật, bổ sung hậu cần...
Trước đó, để thành lập các trung tâm dịch vụ logistics tại Khánh Hòa, Sở Công Thương đề xuất, đối với khu vực dự kiến phát triển hạ tầng cảng, hậu cần cảng Bắc Vân Phong thuộc Quy hoạch phân khu chức năng 3 (Trung tâm đô thị - cảng biển Đầm Môn) đã được phê duyệt, UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong triển khai thu hút đầu tư theo đúng quy hoạch.
Sau khi Quy hoạch phân khu 19 (Khu chức năng công nghiệp và cảng biển Nam Vân Phong) được phê duyệt, các khu vực dự kiến phát triển hậu cần cảng, logistics tại xã Ninh Phước (Ninh Hòa) sẽ rộng khoảng 445ha. Sở đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép lập đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan thành lập Trung tâm Dịch vụ logistics hạng II phục vụ cho cả vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành có liên quan tiếp tục phát triển các cảng biển theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo cơ sở hạ tầng cảng biển đáp ứng các điều kiện, phục vụ tốt nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa.../.
Mạnh Cường
Bình luận